Hà Nam sẽ tập trung phát triển du lịch văn hóa tâm linh

DU LỊCH Hà Nam
18:37 - 19/05/2023
Khu du lịch Tam Chúc. Ảnh: Tam Chúc Complex
Khu du lịch Tam Chúc. Ảnh: Tam Chúc Complex
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết, thời gian tới tỉnh đặt trọng tâm phát triển du lịch văn hóa - tâm linh được hình thành trên cơ sở khai thác những giá trị nổi bật của địa phương, đồng thời cải tạo hạ tầng phục vụ cho loại hình du lịch này.

Ngày 19/5, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam. Đây là sự kiện du lịch mở màn của cả nước triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18/5/2023.

Đánh giá về tiềm năng du lịch của tỉnh, tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định:

Hà Nam là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, có vị trí quan trọng trong hành trình kết nối du lịch Bắc Nam của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đây là một trong những địa phương có nhiều chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt. Ảnh: Thảo Ngân

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt. Ảnh: Thảo Ngân

Để ngành du lịch Hà Nam thực sự phát huy hiệu quả, Thứ trưởng yêu cầu tỉnh cần tranh thủ các cơ hội thu hút các nguồn lực cho ngành du lịch; phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, có giá trị gia tăng cao, mang bản sắc đặc trưng của Hà Nam. Mở rộng hơn nữa thị trường khách và tăng cường kết nối các địa phương trong khu vực.

Giới thiệu về ngành du lịch của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết:

Hà Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với những những di sản tiêu biểu như: Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang, Chùa Đọi và không gian lễ hội Tịch Điền, chùa Địa Tạng Phi Lai, Ngũ Động Sơn, Hồ Ba Hang, Bát Cảnh Sơn...

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thảo Ngân

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thảo Ngân

Du lịch thể thao có 2 sân golf hiện đại là sân gofl Kim Bảng và sân golf Legend Valley (Kim Bảng), du lịch làng nghề với nhiều sản phẩm như làng nghề trống Đọi Tam, dệt Nha Xá, gốm Quyết Thành, mây giang đan Ngọc Động, sừng mỹ nghệ Đô Hai.

Năm 2022, Hà Nam đón hơn 3 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, Hà Nam đón khoảng 3 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt gần 2.400 tỷ đồng. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch và xây dựng những khu resort cao cấp nhằm thu hút nhiều hơn lượng khách quốc tế đến với Hà Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam thông tin, trọng tâm phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới là du lịch văn hóa tâm linh với hệ thống đền chùa, lễ hội đa dạng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch nông nghiệp và du lịch golf.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về lộ trình phát triển mô hình du lịch văn hóa, tâm linh, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: "Tỉnh có ba phương án nhằm phát triển loại hình du lịch này gồm hạ tầng, sản phẩm và nhân lực".

Phương án thứ nhất là đầu tư phát triển hạ tầng. Ông Huy cho biết, tỉnh đã đầu tư tuyến đường kết nối các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng lại với nhau như tuyến đường Bái Đính - Ba Sao được hoàn thành cuối năm 2022, kết nối khu du lịch Tam Chúc với khu du lịch Bái Đính, Tràng An. Tỉnh cũng đang triển khai các tuyến đường song hành kết nối với Hưng Yên và Thái Bình và đặc biệt là tuyến đường kết nối 2 di tích quốc gia của Hà Nam và Nam Định là đền Trần thương (Lý Nhân) và đền Trần Nam Định.

Ngày 14/5 vừa qua, tỉnh cũng đã khởi công nút giao Phú Thứ tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý với quy mô 2 tầng, kết nối các khu đô thị vệ tinh xung quanh Thủ đô Hà Nội, tạo hướng đi thuận lợi tới các địa điểm du lịch của Hà Nam.

Tiếp đến là đầu tư, duy tu bảo dưỡng các sản phẩm du lịch, trong đó có các đền chùa, di tích lịch sử, di tích văn hóa; phục hồi các di sản văn hóa, khảo cổ, bổ sung chú thích cho từng loại sản phẩm, từ đó khi du khách đến với Hà Nam sẽ hiểu hơn về văn hóa và lịch sử Hà Nam.

Cuối cùng, về vấn đề nhân lực, tỉnh cho biết sẽ đặc biệt chú ý đào tạo nguồn nhân lực địa phương thông qua các trường đại học và cao đẳng và có cơ chế để người dân có thể tham dự các khóa học này, từ đó tỉnh sẽ có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch bài bản.

Thông tin về những chính sách thu hút đầu tư du lịch vào tỉnh, ông Huy cho biết Hà Nam đang mời gọi các nhà đầu tư vào xây dựng các khu du lịch, các cơ sở lưu trú với nhiều mức ưu đãi khác nhau. Tỉnh cũng dành những vị trí thuận lợi và đẹp nhất để thu hút những nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, nguồn lực đầu tư.

Tỉnh cũng đầu tư nhiều kinh phí để phát triển hạ tầng, thuận lợi cho du lịch, kết nối Hà Nam với những trung tâm đô thị lớn, đường đi thuận tiện từ đó dễ dàng thu hút đầu tư vào tỉnh.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines và các thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với một số tập đoàn, doanh nghiệp như CTCP tập đoàn Mặt trời (Sun Group), CTCP Tập đoàn BRG (BRG Group), CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel).

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Nam và các doanh nghiệp du lịch, hàng không. Ảnh: Thảo Ngân

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Nam và các doanh nghiệp du lịch, hàng không. Ảnh: Thảo Ngân

Tin liên quan

Đọc tiếp