Hàn Quốc đang nổi lên như một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu sắn

Sắn XUẤT KHẨU
09:20 - 19/01/2023
Hàn Quốc đang nổi lên như một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu sắn
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu sắn năm 2022 đạt 3,25 triệu tấn, thu về 1,4 tỷ USD cao hơn mức kỷ lục 1,32 tỷ USD năm 2015, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất. 

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2022, Việt Nam xuất khẩu 390 nghìn tấn sắn và sản phẩm từ sắn, trị giá 153 triệu USD.

Tính chung cả năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này đã ghi kỷ lục mới, đạt 3,25 triệu tấn, mang về khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và 19,7% về giá trị so với năm 2021.

Trước đây, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt cao nhất vào năm 2015 với 1,32 tỷ USD. Sau năm đó, kim ngạch giảm xuống, có năm chỉ còn dưới 1 tỷ USD và đã trở lại mốc trên 1 tỷ USD liên tục trong mấy năm gần đây.

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Tinh bột sắn chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc và Indonesia.

Sự nổi lên của thị trường Hàn Quốc

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 94,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước với 2 triệu tấn, trị giá 987 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và tăng 19,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 693,63 nghìn tấn sắn lát khô, trị giá 203,17 triệu USD, giảm 11,1% về lượng, nhưng tăng 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Sắn lát khô được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và Papua New Guinea. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn lát khô lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,25% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước với 542,77 nghìn tấn, trị giá 152,02 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý là trong 11 tháng năm 2022, trong khi lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc giảm thì xuất khẩu sắn lát sang Hàn Quốc lại tăng mạnh khi đạt 138 nghìn tấn và 49 triệu USD (tăng 56,9% về lượng và 66,7% về giá trị so với cùng kỳ 2021).

Không chỉ sắn lát, xuất khẩu tinh bột sắn sang Hàn Quốc trong năm 2022 cũng tăng trưởng rất mạnh. 11 tháng năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 về cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Hàn Quốc, với 3,48 nghìn tấn, trị giá 2 triệu USD, tăng 39,6% về lượng và tăng 53,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu sắn sang Hàn Quốc cũng tăng trưởng rất ấn tượng. Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Hàn Quốc, với 118,15 nghìn tấn, trị giá 49,84 triệu USD, tăng 42,6% về lượng và tăng 62,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 42,8% trong tổng lượng sắn nhập khẩu của Hàn Quốc.

Hàn Quốc đang là thị trường rất tiềm năng của ngành sắn Việt Nam khi nhu cầu nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tăng cao. Riêng về sắn, trong 11 tháng năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 276,1 nghìn tấn, trị giá 92,84 triệu USD, tăng 49,1% về lượng và tăng 73,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy tăng trưởng mạnh và là nguồn cung cấp lớn thứ 2 nhưng giá trị xuất khẩu cũng như thị phần của tinh bột sắn ở Việt Nam tại Hàn Quốc còn khá khiêm tốn khi so với nguồn cung lớn nhất là Thái Lan (chiếm 89% tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu vào Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2021).

Gia Lai là địa phương có diện tích sắn nguyên liệu lớn nhất cả nước (với hơn 81.000 ha, diện tích bằng 15,47%, sản lượng bằng 15,42% cả nước). Sắn là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, được trồng ở 17/17 địa phương, sản lượng hàng năm khoảng 1,6 triệu tấn. Vùng nguyên liệu sắn của tỉnh này chủ yếu cung cấp cho 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất 1.250 tấn thành phẩm/ngày.

Giá chào bán tinh bột sắn xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam hiện ở mức 445 - 475 USD/tấn (FOB, cảng TP. Hồ Chí Minh), tăng 20 USD/tấn so với cuối tháng 12/2022. Giá sắn lát xuất khẩu sang Hàn Quốc ở mức 310 USD/tấn (FOB, cảng Quy Nhơn), tăng 20 USD/ tấn so với cuối tháng 12/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp