HBC 'bắt tay' Coteccons dự gói thầu 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thành

Hoà BÌnh Coteccons
20:40 - 27/06/2023
Ông Lê Viết Hải và ông Bolat Duisenov tại ĐHĐCĐ của HBC chiều 27/6. Ảnh: HBC
Ông Lê Viết Hải và ông Bolat Duisenov tại ĐHĐCĐ của HBC chiều 27/6. Ảnh: HBC
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng Hoà Bình, Coteccons và hai doanh nghiệp xây dựng lớn khác của Việt Nam là Central, An Phong đã lập liên danh để nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 thuộc dự án thành phần 3 của sân bay Long Thành.

Thông tin được ông Lê Viết Hiếu - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán HBC) chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của HBC, tổ chức chiều 27/6.

Đó cũng là lý do đại hội HBC có sự góp mặt của ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD), ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Central, ông Nguyễn Khắc Đồng - Tổng giám đốc Công ty Xây dựng An Phong.

Theo ông Hiếu, Xây dựng Hoà Bình và 3 doanh nghiệp trên đã thành lập liên minh Hoa Lư để tham gia gói thầu thi công nhà ga hành khách (5.10) thuộc dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành. Gói thầu có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng - gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được mời thầu rộng rãi quốc tế từ tháng 9/2022.

Tháng 11/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hủy gói thầu 5.10 lần 1 do tất cả các hồ sơ dự thầu không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ mời thầu. Đến tháng 1/2023, ACV thực hiện mời thầu lần 2 với gói này.

Ngày 15/6, ACV thông tin có 3 nhóm nhà thầu tham dự gói 5.10, gồm một nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm đến từ Trung Quốc và một nhóm đến từ nhà thầu trong nước. Hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu.

Như vậy, nhiều khả năng nhóm nhà thầu trong nước duy nhất nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 là liên minh Hoa Lư như Hoà Bình tiết lộ.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình. Ảnh: HBC

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình. Ảnh: HBC

Tái cấu trúc toàn diện

Tại đại hội, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình chia sẻ, trong “giông bão”, HBC lùi lại một bước để làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện, với quyết tâm đưa Hòa Bình vượt qua thách thức và dần ổn định để tiếp tục phát triển và khôi phục vị thế vốn có.

Kế hoạch tái cấu trúc toàn diện đã được HĐQT và ban điều hành bắt tay vào triển khai và sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng bao gồm: Tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc nguồn nhân lực, tái cấu trúc sản phẩm và thị trường, tái cấu trúc hệ thống quản lý, tái cấu trúc hệ thống các công ty thành viên và công ty liên kết.

Theo ông Hải, đến ngày 23/6, 89 đối tác đã đồng ý cấn trừ nợ bằng việc mua cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng. Ông khẳng định, khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, hoàn thành việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều.

Ông Hải nhấn mạnh các khoản đều được Xây dựng Hòa Bình trích lập dự phòng. Công ty chưa hề xóa bất cứ khoản nợ nào và các khoản nợ cũ đều được hoàn nhập.

Năm 2023, Hòa Bình đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 12.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog (đơn hàng tồn) là 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng... Lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ HBC đã thông qua việc bầu ông Lê Văn Nam, bà Vũ Thị Hòa và bà Nguyễn Thị Lượt vào HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.