Hơn 174.000 tỷ đồng miễn, giảm, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2021

THUẾ Việt nAM
09:30 - 07/01/2022
Hơn 174.000 tỷ đồng miễn, giảm, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2021
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, thu Ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, dự kiến tiếp tục đề xuất một số chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian tới. Và đó sẽ là thách thức cho ngành Tài chính và Thuế nói chung trong năm 2022

Năm 2021, nền kinh tế trong nước đối mặt nhiều khó khăn. Dù vậy, trong báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, thu Ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219.900 tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.

Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước đạt 18,6%GDP (vượt mục tiêu 15,5%GDP).

Trong chiều ngược lại, chi ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt hơn 1,87 triệu tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán.

Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%).

Theo Bộ Tài chính, ước tính năm 2021, bội chi ngân sách Nhà nước dưới 4% GDP. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo.

Về công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, Bộ Tài chính cho biết đã miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119.400 tỷ đồng để hỗ trợ gần 120.000 doanh nghiệp và 20.000 hộ, cá nhân kinh doanh.

“Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16.800 tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38.000 tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174.200 tỷ đồng”, Bộ Tài chính thông tin.

Về thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết đến hết ngày 31/12/2021, VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020, quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường đạt khoảng 7.729 nghìn tỷ đồng (trên 92% GDP ước thực hiện năm 2021), tăng 46% so với cuối năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, gói kích cầu về miễn, giảm thuế phí trong năm 2022 sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2021, dự kiến có quy mô hơn 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 so với quy mô gói hỗ trợ vừa qua. Do đó, đây chính là thách thức đối với ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng.

Thời gian qua, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề cũng gửi kiến nghị tới các bộ ngành, Chính phủ đề xuất thêm chính sách miễn, giảm thuế, phí, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng.

Về đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân với tiền công, tiền lương, Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế hiện tại không cao và đã tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh. Bộ này lý giải, thuế chỉ tính trên phần tiền công, tiền lương đã giảm trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ người phụ thuộc, các khoản từ thiện, trợ cấp... Cùng với đó, từ tháng 7/2020, mức giảm trừ với các cá nhân tăng từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc từ 3,6 lên 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.