IFC bổ nhiệm tân giám đốc phụ trách khu vực Mekong

TÀI CHÍNH Việt nAM
11:45 - 04/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tân giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Thomas Jacobs sẽ ưu tiên tăng cường tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp địa phương, mở rộng phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy sáng kiến thông minh về khí hậu.

Ngày 4/4, IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã công bố bổ nhiệm ông Thomas Jacobs (quốc tịch Mỹ) vào vị trí giám đốc quốc gia mới của IFC phụ trách khu vực Mekong, bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Làm việc tại Hà Nội, ông Jacobs sẽ tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển, phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Ông Thomas Jacobs gia nhập IFC từ năm 2003, từng làm việc tại Trung Á, Trung Đông và các quốc đảo Thái Bình Dương. Ông đã dẫn dắt thực hiện nhiều sáng kiến liên quan đến mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính cho phụ nữ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy sáng kiến chống biến đổi khí hậu; tăng cường cải cách và triển khai chính sách tăng trưởng cho khu vực tư nhân…

Ông Thomas Jacobs, tân giám đốc khu vực Mekong của IFC. Ảnh: IFC

Ông Thomas Jacobs, tân giám đốc khu vực Mekong của IFC. Ảnh: IFC

Bà Kim-See Lim, giám đốc Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết, ông Jacobs sẽ giúp IFC tham gia sâu hơn trong những lĩnh vực quan trọng đối với giai đoạn phát triển tiếp theo của các nền kinh tế khu vực Mekong. Trong đó ưu tiên tăng cường tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp địa phương, mở rộng phát triển năng lượng tái tạo và thúc đẩy sáng kiến thông minh về khí hậu.

IFC là thành viên là tổ chức phát triển toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia, tập trung hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Trong năm 2021, tổng đầu tư dài hạn của IFC vào các công ty tư nhân và định chế tài chính tại các nước đang phát triển đạt 31,5 tỷ USD.

Tại Việt Nam, đầu tư của IFC tăng mạnh trong 5 năm qua, mở rộng từ đầu tư vào các định chế tài chính – ngân hàng sang các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, sáng kiến chống biến đổi khí hậu…

Hoạt động đáng chú ý mới đây nhất của IFC là thiết lập quan hệ đối tác với hai công ty xây dựng một "siêu cảng" kho vận quốc tế tại Việt Nam. Đó là dự án Trung tâm Logistics và Cảng cạn Quốc tế (ICD) Vĩnh Phúc do Công ty cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc (liên doanh của công ty kho vận hàng đầu Singapore là Tập đoàn YCH) và Tập đoàn T&T của Việt Nam, phát triển.

Trong 12 tháng tới, IFC sẽ hỗ trợ Tập đoàn YCH và Tập đoàn T&T thiết kế dự án theo các tiêu chuẩn quốc tế về xã hội và môi trường, bảo đảm khả năng thu hút nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài. IFC cũng sẽ hỗ trợ phát triển dự án này theo hướng thân thiện với môi trường và bền vững, đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Đồng thời, IFC sẽ nhận ủy thác độc quyền từ Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn YCH để thu xếp nguồn tài trợ vốn dài hạn cho dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Tổng vốn đầu tư cho dự án dự kiến sẽ lên đến hơn 4.500 tỷ đồng (tương đương 199 triệu USD).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.