IHS Markit: GDP Việt Nam cả năm tăng 2,3%, nhiều luồng gió thuận lợi trong trung hạn

KINH TẾ VĨ MÔ Việt nAM
17:15 - 19/11/2021
IHS Markit: GDP Việt Nam cả năm tăng 2,3%, nhiều luồng gió thuận lợi trong trung hạn
0:00 / 0:00
0:00
IHS Markit vừa công bố một báo cáo khá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, nhận định nền kinh tế có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ trong ngắn và trung hạn, với kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt 2,3% trong năm 2021 và 6,3% trong năm 2022.

Dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 2,3% trong năm nay

Khi các địa phương bắt đầu nới lỏng hạn chế kiểm dịch, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất trong tháng 10 theo đo lường của IHS Markit đã tăng mạnh lên 52,1 điểm. Mức điểm trên 50,0 phản ánh sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất.

Theo IHS Markit, PMI sản xuất của Việt Nam trong tháng 10 tăng mạnh lên 52,1 điểm

Theo IHS Markit, PMI sản xuất của Việt Nam trong tháng 10 tăng mạnh lên 52,1 điểm

Hàng loạt dữ liệu khác do Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong tháng 10. Cụ thể, kim ngạch thương mại tháng 10 đạt 54,65 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 28,75 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt đạt 25,9 tỷ USD, tăng 6,9%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tính tăng 6,9% so với tháng 9, tính chung 10 tháng đầu năm ước tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 357,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng 9.

Tuy nhiên, IHS Markit cảnh báo tình trạng các ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày có dấu hiệu tăng trở lại, nguy cơ tiếp tục gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng rủi ro cho triển vọng kinh tế trong ngắn hạn.

Do đó, cơ quan này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến sẽ ở mức vừa phải là 2,3%, thấp hơn mức tăng trưởng 2,9% được ghi nhận vào năm 2020.

Dự báo năm 2022, IHS Markit kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,3% khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng cao giúp bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội trong nước cũng như sự mở cửa dần du lịch quốc tế.

GDP Việt Nam quý III/2021 chứng kiến mức giảm sâu chưa từng có (-6,17%)

GDP Việt Nam quý III/2021 chứng kiến mức giảm sâu chưa từng có (-6,17%)

Nhiều "luồng gió" kích thích động lực tăng trưởng trong trung hạn

Trong trung hạn, IHS Markit dự báo nhiều động lực tích cực đang tạo nên những luồng gió thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các động lực được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cả về tốc độ và quy mô GDP của nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất tại khu vực châu Á.

Thứ nhất, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ thực tế chi phí trả lương lao động tương đối thấp hơn so với các trung tâm sản xuất ở Trung Quốc, nơi tiền lương đã tăng nhanh trong thập kỷ qua.

Thứ hai, tiềm năng từ lực lượng lao động quy mô lớn, trình độ học vấn tương đối tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực Đông Nam Á kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, chế tạo có sức hút với nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Thứ ba, chi tiêu vốn dự kiến ​​sẽ tăng nhanh trong trung hạn, phản ánh dòng vốn FDI và chi tiêu cơ sở hạ tầng trong nước tiếp tục tăng nhanh. Chẳng hạn, một tính toán gần đây của Bộ Công thương ước tính trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 133 tỷ USD, trong đó 96 tỷ USD cho các nhà máy điện và 37 tỷ USD cho mở rộng lưới điện. Con số này sẽ tăng lên khoảng 184 tỷ USD trong giai đoạn 2031-2045.

Thứ tư, Việt Nam được dự báo tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng loạt mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc đã và đang thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu sang các trung tâm sản xuất mới ở ASEAN, mà Việt Nam là điểm đến hứa hẹn.

Thứ năm, nhiều công ty đa quốc gia đã và đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của họ để giảm nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung ứng hay rủi ro địa chính trị khi phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Xu hướng này càng được củng cố sau đại dịch COVID-19, khi sự gián đoạn nguồn cung ở thời điểm đại dịch bùng phát tại Trung Quốc hồi quý I/2020 đã gây ra tình trạng xáo trộn mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả các ngành sản xuất quan trọng như điện tử, ô tô...Chẳng hạn, Chính phủ Nhật Bản năm 2020 đã đưa ra chương trình trợ cấp cho các doanh nghiệp dịch chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc để trở lại Nhật Bản hoặc chuyển đến một số quốc gia được chỉ định khác, bao gồm ASEAN, Ấn Độ và Bangladesh.

Cuối cùng, Việt Nam cũng được kỳ vọng được hưởng lợi từ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang ngày càng phát triển. Là một thành viên của nhóm các quốc gia ASEAN, Việt Nam đã và đang hưởng lợi thế đáng kể từ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA). Bên cạnh đó, ASEAN cũng có một mạng lưới FTA rộng khắp với các nền kinh tế lớn của Châu Á - Thái Bình Dương, từ đó giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất, xuất khẩu giá rẻ.

Bản thân Việt Nam cũng tích cực ký kết các FTA, gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) với lộ trình cắt giảm 99% thuế quan song phương cũng như loại bỏ đáng kể hàng rào thương mại phi thuế quan, tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Sắp tới, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 1/1/2022 dự kiến cũng sẽ thúc đẩy lợi ích cho Việt Nam trong hàng loạt lĩnh vực, từ thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và mua sắm công.

Các động lực trên đây được nhận định sẽ thúc đẩy sự mở rộng mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghiệp, từ các ngành hiện có như dệt may, điện tử cho đến các ngành công nghiệp mới như sản xuất ô tô, hóa dầu, qua đó củng cố vai trò trung tâm sản xuất giá rẻ hấp dẫn của Việt Nam. Bên cạnh đó, thúc đẩy kim ngạch thương mại cũng tạo sức hút dòng vốn FDI vào trong nước, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.

Các nhà phân tích IHS Markit dự báo tổng quy mô GDP Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,6 lần từ khoảng 270 tỷ USD vào năm 2020 lên 433 tỷ USD vào năm 2025 trước khi đạt mức 687 tỷ USD vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa mức tăng GDP bình quân đầu người với tốc độ rất nhanh, từ 2.785 USD/ người/ năm vào năm 2020 lên 4.280 USD vào năm 2025 và 6.600 USD vào năm 2030. Từ đó dẫn đến sự mở rộng đáng kể về quy mô thị trường tiêu dùng nội địa.

Tin liên quan

Đọc tiếp