Chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 thấp nhất 0,43%, cao nhất 1,9%

KINH TẾ Việt nAM
18:01 - 05/11/2021
Chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 thấp nhất 0,43%, cao nhất 1,9%
0:00 / 0:00
0:00
Trong kịch bản khả dĩ nhất, tăng trưởng GDP quý IV có thể đạt 2,02%, qua đó đưa tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 1,52%. Nhận định được đưa ra trên cơ sở phân tích các tình huống tác động từ kinh tế thế giới đến Việt Nam. 

3 BIẾN ĐỘNG GIÁ CẢ THẾ GIỚI TÁC ĐỘNG ĐẾN LẠM PHÁT TẠI VIỆT NAM

Tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell cảnh báo người Mỹ nên chuẩn bị cho kịch bản chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn trong năm 2022. “Các thách thức từ phía cung đã trở nên tồi tệ hơn, chuỗi cung ứng gián đoạn kéo dài do tình trạng tắc nghẽn dai dẳng, dẫn đến lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn”, ông Powell nhấn mạnh.

Thương mại quốc tế đã gián đoạn đáng kể khi các container chất đầy hàng hóa tắc nghẽn tại các cảng và không kịp xoay vòng, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều chính phủ buộc phải tái áp đặt các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt hơn. Cùng lúc đó, nhu cầu quốc tế tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng trầm trọng giữa cung và cầu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI, tức thước đo mức tăng giá hàng hóa trong một thời kỳ cụ thể) đã tăng vọt trên toàn cầu trong suốt năm qua. Đơn cử, chỉ số Flexible CPI đo lường mức biến động của một rổ hàng hóa có trọng số thay đổi giá tương đối thường xuyên tại Mỹ đã tăng hơn 13% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo CPI tại một số nền kinh tế lớn thế giới năm 2021 (Nguồn: MBS)

Dự báo CPI tại một số nền kinh tế lớn thế giới năm 2021 (Nguồn: MBS)

Chia sẻ tại diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021 chủ đề "Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững" do NCIF, UNDP và Đại học Fullbright Việt Nam tổ chức sáng 05/11, TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: "Biến động giá cả thế giới đang tác động lớn đến lạm phát tại Việt Nam."

Ảnh tác giả

"Theo ước tính của chúng tôi cho đến quý IV/2022, dự báo giá xăng dầu, giá kim loại và giá lương thực thực phẩm trên thị trường thế giới chưa thể giảm nhanh. Thậm chí, thế giới có thể có mặt bằng giá mới sau dịch Covid-19. Riêng tại Việt Nam, rủi ro nhập khẩu lạm phát là có thật”

TS.Trần Toàn Thắng

GIÁ DẦU TĂNG CAO CÓ THỂ LÀM TĂNG KHOẢNG 1% LẠM PHÁT TẠI VIỆT NAM

Trong nỗ lực lượng hóa ảnh hưởng biến động giá cả toàn cầu với lạm phát tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia chỉ ra rằng mức tăng giá dầu ảnh hưởng đặc biệt lớn đến mức tăng lạm phát tại Việt Nam do khả năng lan tỏa quá lớn trong mọi ngành công nghiệp và dịch vụ. “Theo ước tính, giá dầu thế giới tăng cao có thể làm tăng khoảng 1% lạm phát tại Việt Nam. Thời điểm ảnh hưởng mạnh nhất dự kiến là khoảng nửa đầu năm 2022, tức là khi đó, vấn đề kiểm soát lạm phát tại Việt Nam cần được chú ý sát sao”.

Biến động giá dầu thế giới có thể làm tăng lạm phát tại Việt Nam khoảng hơn 1%, theo nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia
Biến động giá dầu thế giới có thể làm tăng lạm phát tại Việt Nam khoảng hơn 1%, theo nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia

Ngoài ra, giá kim loại dự kiến sẽ làm tăng lạm phát tại Việt Nam khoảng 0,2%, nhưng đây là cảnh báo đáng lo ngại với các nhà sản xuất do kim loại cơ bản là yếu tố đầu vào không thể thiếu của nhiều ngành công nghiệp.

Mức tăng giá lương thực thực phẩm toàn cầu dự kiến không gây biến động đáng kể đến lạm phát tại Việt Nam do tỷ trọng không lớn trong rổ hàng hóa và tính chất tăng nhanh, giảm nhanh của giá.

Yếu tố thứ hai bên cạnh giá hàng hóa thế giới có thể tác động đến lạm phát tại Việt Nam, theo TS.Trần Toàn Thắng là chi phí logistics.

CHI PHÍ LOGISTICS

Tác động của chi phí logistics với lạm phát tại Việt Nam (Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

Tác động của chi phí logistics với lạm phát tại Việt Nam (Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

“Giá vận chuyển container bình quân từ Trung Quốc đi cảng Amsterdam (Hà Lan) đã tăng gần 10 lần, từ 2.500 USD lên hơn 22.000 USD trong hơn một năm qua. GIá vận chuyển container từ Trung Quốc/ Đông Á đến Bắc Mỹ cũng tăng vọt từ hơn 5.000 USD lên khoảng 27.000 USD trong 15 tháng qua. Nhiều tuyến đường thậm chí ghi nhận chi phí logistics đội lên tới 20 lần. Trong nhiều ngành hàng, việc chi phí vận chuyển lớn hơn nhiều lần trị giá gói hàng là điều không còn ngạc nhiên. Khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng lên thì ảnh hưởng của việc tăng chi phí logistics với vấn đề lạm phát là tương đối lớn”, TS.Trần Toàn Thắng cho biết.

GIá vận chuyển container từ Trung Quốc/ Đông Á đến Bắc Mỹ tăng dựng đứng (Ảnh: Freightors)

GIá vận chuyển container từ Trung Quốc/ Đông Á đến Bắc Mỹ tăng dựng đứng (Ảnh: Freightors)

Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia chỉ ra rằng cần thời gian tương đối dài để đưa chi phí logistics trở về mức bình thường trước đại dịch. Điều này đồng nghĩa cần lường trước ảnh hưởng của mức tăng chi phí logistics cũng như lạm phát đến vấn đề dòng vốn, quyết định đầu tư, quyết định tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, theo TS.Thắng.

Yếu tố thứ ba cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến biến động lạm phát tại Việt Nam là các gói hỗ trợ bên ngoài của các chính phủ trên thế giới.

YẾU TỐ THỨ 3 - CÁC GÓI HỖ TRỢ CỦA CÁC CHÍNH PHỦ

Dự báo gói hỗ trợ của Mỹ (đường màu xanh lam) có ảnh hưởng lớn nhất đến lạm phát và xuất nhập khẩu tại Việt Nam (Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

Dự báo gói hỗ trợ của Mỹ (đường màu xanh lam) có ảnh hưởng lớn nhất đến lạm phát và xuất nhập khẩu tại Việt Nam (Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia)

Các gói hỗ trợ được đánh giá bởi Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia bao gồm gói 1.900 tỷ USD của Mỹ tháng 3/2021 (hỗ trợ cho chính quyền bang, trợ cấp tiền mặt cho hộ gia đình, hỗ trợ các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo hiểm thất nghiệp,(cho vay và trợ cấp không hoàn lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…), gói 750 tỷ EUR của EU vào tháng 12/2020 (viện trợ không hoàn lại 390 tỷ EUR và cho vay 360 tỷ EUR trong giai đoạn 2021-2023, trong đó 70% dự kiến triển khai trong năm 2022) và gói 708 tỷ USD của Nhật vào tháng 12/2020 (hỗ trợ doanh nghiệp số hóa, công nghệ xanh, mở rộng biện pháp phòng chống dịch, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch).

Các gói hỗ trợ này dự kiến sẽ mang lại tác động tích cực đến bản thân các quốc gia tung ra gói hỗ trợ, từ đó tạo đà cho phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo hiệu ứng lan tỏa đến đà phục hồi của kinh tế Việt Nam. Thêm vào đó, gói hỗ trợ của các chính phủ quốc tế cũng thúc đẩy nhu cầu hàng hóa dịch vụ tăng, qua đó kích thích nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra tăng trưởng tích cực cho Việt Nam.

Tuy nhiên, tác động lạm phát từ các gói này là một yếu tố đáng lưu ý. Dự báo gói hỗ trợ của Mỹ có thể gây ảnh hưởng lớn nhất đến lạm phát tại Việt Nam, chủ yếu thông qua thị trường tài chính - tiền tệ và không kéo dài lâu.

DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG GDP 2021: THẤP NHẤT 0,43%, CAO NHẤT 1,9%

Dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế quý IV/2021, TS.Trần Toàn Thắng đưa ra 3 kịch bản khác nhau dựa trên các giả định tình huống khác nhau.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV và cả năm 2021

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV và cả năm 2021

Trong kịch bản tốt, nếu bệnh dịch hoàn toàn được khống chế, chuỗi cung ứng phục hồi nhanh và chi phí logistics giảm nhanh, các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đạt hiệu quả cao thì tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 có thể đạt 3,17%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng tốt nhất, khoảng 4,2%, tiếp theo là dịch vụ với mức tăng trưởng 4% và công nghiệp – xây dựng với mức tăng trưởng khoảng 2%.

Trong kịch bản này, GDP toàn năm 2021 của Việt Nam ước đạt 1,9%. Tuy nhiên, TS.Thắng nhận định kịch bản này khó khả thi do đến tháng 10, tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp vẫn đang nằm sâu ở vùng tiêu cực.

Trong kịch bản trung bình, nếu kinh tế thế giới hồi phục tốt, tình hình kiểm soát đại dịch tiếp tục được cải thiện, không phát sinh các ổ dịch lớn trong nước và các giải pháp hỗ trợ được triển khai tốt thì tăng trưởng GDP quý IV có thể đạt 2,02%, qua đó đưa tăng trưởng GDP cả năm 2021 lên 1,52%. Theo ông Thắng, đây là kịch bản khả dĩ nhất, nhiều khả năng sẽ xảy ra trong năm nay.

Trong kịch bản xấu, nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường thế giới và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam không phục hồi như kỳ vọng, hồi phục sản xuất trong nước gặp khó khăn và các chính sách hỗ trợ của chính phủ còn có độ trễ thì GDP quý IV/2021 ước chỉ tăng 1,28%. Với kịch bản này, tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước đạt 0,43%.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022, TS.Trần Toàn Thắng cho rằng mô hình tăng trưởng chữ V là khó khả thi. Kịch bản khả dĩ nhất là tăng trưởng kinh tế ước khoảng 5,8% với giả định ngành công nghiệp - xây dựng phục hồi mạnh mẽ 7,7% và là trụ đỡ cho phục hồi, ngành dịch vụ tăng trưởng 5,5% và nông lâm ngư nghiệp tăng 3,3%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.