ILO: Chuyển đổi lao động trong cách mạng công nghệ cần lấy con người là trung tâm

LAO ĐỘNG Việt nAM
15:37 - 17/11/2021
ILO: Chuyển đổi lao động trong cách mạng công nghệ cần lấy con người là trung tâm
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Lao động Quốc tế khuyến nghị, quá trình chuyển đổi lao động trong cuộc cách mạng công nghệ nên có định hướng mang tính bao trùm, không chỉ tập trung mang lại lợi ích cho các công ty lớn mà cần lấy con người làm trung tâm.

Tiếp nối chuỗi sự kiện Diễn đàn cấp cao thường niên và Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021, sáng 17/11, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương cho biết, lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Đưa ra khuyến nghị phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã có tham luận về “Cách mạng 4.0 và yêu cầu chuyển đổi thị trường lao động”, chỉ ra bức tranh toàn cảnh của biến động thị trường lao động và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi lao động cho Việt Nam.

Một thế giới việc làm với nhiều thay đổi

Theo bà Hà, cuộc cách mạng công nghệ (CMCN ) 4.0 được thúc đẩy bằng những tiến bộ công nghệ đang làm thay đổi nhanh chóng phương thức và những dạng thức làm việc, kinh doanh mới.

"Bên cạnh đó, các xu hướng lớn khác như thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu, quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và đặc biệt là đại dịch COVID-19 với những thách thức mới, cấp thiết đang ảnh hưởng đến thị trường lao động và định hình tương lai việc làm," bà Hà nhận định.

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề về cơ cấu lao động trong một thế giới công nghệ

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề về cơ cấu lao động trong một thế giới công nghệ

Từ 2018, ILO đã thành lập Ủy ban toàn cầu về tương lai việc làm, xây dựng một báo cáo độc lập về tương lai việc làm được công bố vào tháng 01/2019, bà Hà cho biết: “Báo cáo đưa ra 3 khuyến nghị chính về tăng cường đầu tư vào năng lực con người, vào các thiết chế việc làm và vào các việc làm thỏa đáng và bền vững. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy những làn sóng xáo trộn trên thị trường lao động đang và sẽ tạo ra những thách thức lẫn cơ hội mới”.

Ảnh tác giả

Theo ước tính của ILO vào năm 2030 sẽ có khoảng 269 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trong kinh tế chăm sóc, 18 triệu việc làm tạo ra trong “kinh tế xanh”. Kinh tế nông thôn vẫn nên là lĩnh vực ưu tiên bởi đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm cho lao động tương lai.

Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam

“Nhằm tăng cường năng lực cho tất cả mọi người có thể nắm bắt được cơ hội việc làm trong thế giới việc làm mới, Tuyên bố thiên niên kỷ về tương lai việc làm năm 2019 của ILO cũng đã kêu gọi đặt việc làm và con người làm trung tâm của mọi chính sách kinh tế xã hội và vận hành kinh doanh”, bà Hà chia sẻ.

Định hình tương lai việc làm mới

Để đánh giá về nhu cầu kỹ năng cho người lao động trong tương lai, bà Nguyễn Hồng Hà cho rằng cần dựa trên những phân tích thấu đáo về tác động của cách mạng công nghệ với từng ngành kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dự báo mức độ và tầm ảnh hưởng của tiến bộ công nghệ vẫn còn nhiều ẩn số.

Bà Hà lấy ví dụ, nông nghiệp là một ngành quan trọng với Việt Nam, là nguồn tăng trưởng kinh tế và việc làm cho người lao động. Câu hỏi được đặt ra là CMCN 4.0 có ý nghĩa như thế nào đối với ngành này? Làm thế nào để hiện đại hóa, tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế đồng thời thu hút thanh niên làm việc trong lĩnh vực này và mang lại triển vọng nghề nghiệp thú vị và có ý nghĩa cho họ.

Việc khám phá tiềm năng CMCN 4.0 theo hướng trên sẽ giúp trả lời được câu hỏi: Chúng ta đang muốn loại hình CMCN 4.0 như thế nào và từ đó xác định công việc hiện tại sẽ thay đổi và các công việc mới nào sẽ được tạo ra. Tầm nhìn về những loại hình đào tạo kỹ năng cần thiết cũng sẽ được gợi mở. Để từ đó, người lao động có thể nắm bắt được cơ hội việc làm mới.

Nhiều doanh nghiệp vẫn còn xa lạ với thực tiễn CMCN 4.0. Phần đông các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nguồn lực hạn chế. Trong đó nhiều doanh nghiệp cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, công nghệ đơn giản, kỹ năng tay nghề người lao động thấp và tiền lương thấp.

Từ thực tế đó, ILO đưa ra khuyến nghị, quá trình chuyển đổi lao động định hướng tới CMCN 4.0 nên mang tính bao trùm, không chỉ tập trung mang lại lợi ích cho các công ty lớn mà cần lấy con người làm trung tâm.

“Công cuộc chuyển đổi cần hỗ trợ tạo việc làm thỏa đáng và triển vọng công việc cho mọi người lao động, bao gồm cả nhóm người yếu thế. Qua đó, sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi và đạt được các mục tiêu phát triển vào năm 2030 và tiếp tục chuyển đổi hơn nữa vào năm 2045”, bà Hà nói.

Trước hết, vấn đề phát triển kỹ năng phải được đưa ra thảo luận như một nội dung gắn liền với nâng cấp và hiện đại hóa nền kinh tế. Hiện nay, tỷ lệ lao động có kỹ năng cao của Việt Nam đang thấp hơn trung bình của ASEAN. Trong khi, Việt Nam là một trong những nước có khả năng chịu tác động lớn nhất của tự động hóa.

Thúc đẩy chuyển đổi lao động theo ngành

Về việc xây dựng kỹ năng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ CMCN 4.0, đại diện ILO cho rằng nên nhìn nhận kỹ năng và giáo dục nghề nghiệp là động lực để nâng cấp ngành kinh tế và là một thành tố then chốt để các ngành kinh tế có thể đạt được hiện đại hóa cũng như các mục tiêu đề ra. Do đó, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng.

ILO thúc đẩy chuyển đổi lao động theo ngành với cơ chế đặt ngành ở vị trí dẫn dắt trong phát triển kỹ năng lao động và các yêu cầu liên quan. Điều này đòi hỏi sự tham gia, kết nối của doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường học, cùng thảo luận và xây dựng những kỹ năng cần có trong tương lai nhằm nâng tầm ngành.

Doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo lao động.
Doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo lao động.

Với cách tiếp cận như vậy, các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp có thể được chủ động thiết kế không chỉ để gia tăng giá trị hàng hóa dịch vụ mà còn thu hút được những nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và mang đến cho người lao động những triển vọng tốt hơn về việc làm cũng như thu nhập.

Để thúc đẩy tiếp cận chuyển đổi lao động theo ngành, ILO đã có khuyến nghị cần ghi nhận các hội đồng kỹ năng nghề trong Luật lao động 2019 và đã hỗ trợ thí điểm thành lập một Hội đồng kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ảnh tác giả

"Để ứng phó với thị trường lao động đang có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều yếu tố bất định trong tương lai, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam cần có sự linh hoạt và tăng cường khả năng chống chịu tốt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần xác định lại vai trò của các bên liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là vai trò của người sử dụng lao động".

Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam

ILO cho rằng doanh nghiệp là đối tượng đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ và họ hiểu rõ họ sẽ cần thay đổi như thế nào và những kỹ năng nào là cần thiết đối với người lao động. Việc hợp tác của doanh nghiệp trong cung cấp thông tin thị trường lao động liên quan đến công việc và kỹ năng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố năng lực quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp