Nhận diện quan hệ lao động trong thời kỳ công nghệ mới

việc làm Việt nAM
20:36 - 29/10/2021
CMCN 4.0 sẽ tạo ra những sự thay đổi mới trong quan hệ lao động
CMCN 4.0 sẽ tạo ra những sự thay đổi mới trong quan hệ lao động
0:00 / 0:00
0:00
Cách mạng công nghiệp 4.0 ngoài việc tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người lao động. Theo Tổ chức ILO, khoảng 86% lao động Việt Nam trong ngành may mặc, da giày sẽ bị ảnh hưởng bởi làn sóng tự động hoá.  

Nghiên cứu “Nhận diện quan hệ lao động trong thời kỳ Công nghiệp 4.0: Vấn đề đặt ra cho việc nâng cao vị thế và bảo vệ người lao động tại Việt Nam” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy những xu hướng lao động được tạo ra dưới ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và những tác động của cuộc cách mạng này tới quan hệ lao động tại Việt Nam.

Nguy cơ mất việc làm đối với lao động chưa qua đào tạo

CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng, mở rộng điều kiện cho người lao động được tự do đi tìm việc và có nhiều sự lựa chọn hơn trong công việc.

Tuy nhiên CMCN 4.0 cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người lao động, như mất việc làm do bị thay thế bằng máy móc. Không được bảo vệ quyền lợi vì có sự thay đổi về bản chất của quan hệ lao động bằng ứng dụng công nghệ mới. Bị phân biệt đối xử bất bình đẳng trong xã hội giữa lao động có kỹ năng cao và lao động có kỹ năng thấp, giữa ông chủ sở hữu máy móc và người lao động.

Nghiên cứu của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam chỉ ra 3 cấp độ chuyển đổi số trong lao động.

Trong đó, cấp độ I, Hệ thống hỗ trợ người lao động trong việc lắp ráp sản phẩm theo từng bước sẽ dẫn đến giảm khoảng 25% số việc làm. Cấp độ II, hệ thống vật chất ảo hay còn gọi là Internet vạn vật tức là máy móc trong nhà máy được kết nối với nhau và có khả năng vận hành và có thể kiểm soát bất kỳ công đoạn sản xuất nào, bất kỳ thời gian nào. Điều này có thể sẽ dẫn đến giảm 35% số việc làm hiện tại.

Cấp độ III, trí tuệ nhân tạo (AI) máy móc, cũng là các robot có thể trao đổi với nhau, thay vì báo cáo lại cho trung tâm điều khiển bởi con người, tạo ra khả năng vận hành hoàn toàn độc lập của máy móc.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có nghiên cứu cho thấy, hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành này. Khoảng 86% lao động Việt Nam trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa.

Ngoài nguy cơ bị mất việc làm tại chỗ do máy móc thay thế, người lao động còn phải đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm do công việc bị chuyển về quốc gia với thị trường có chi phí lao động thấp bởi CMCN 4.0.

Từ những tác động của CMCN 4.0 sẽ tạo ra các xu hướng việc làm mới, Nghiên cứu chỉ ra rằng, những việc làm cũ mất đi nhưng những việc làm mới sẽ được tạo ra, tổng việc làm không thay đổi nhiều; Thời gian đào tạo lại tăng 3-4 lần (con số này ở EU ước tính rơi vào 40 giờ/năm); Nhu cầu ở khu vực các công việc kỹ năng thấp (lái xe, nấu ăn, giúp việc nhà, chăm sóc người bệnh, công nhân xây dựng, bán lẻ) sẽ ngày càng cao.

Chia sẻ trong Diễn đàn đa phương 2021 “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” ngày 28/10, Ông Christopher Lee, Quản lý cấp cao về Con người và Tổ chức Công ty PwC Việt Nam cũng cho biết ba xu hướng lớn của CMCN 4.0 liên quan trực tiếp đến Việt Nam:

Tích hợp kĩ thuật số với đào tạo marketing giúp các doanh nghiệp khai thác dữ liệu số; Xu hướng làm việc từ xa và làm việc qua điện thoại; Xu hướng thu hút chuyên gia từ nước ngoài thông qua các hệ các công nghệ từ xa để các chuyên gia đó chuyển giao công nghệ, kiến thức cho người lao động trong nước.

Công đoàn “số”

Để bảo vệ được người lao động trong thời kỳ CMCN 4.0, trong Diễn đàn đa phương 2021, Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai kế hoạch xây dựng Công đoàn “số”, là cách để bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng, hiệu quả và ít tốn kém. Nếu có một chính sách tốt sẽ hỗ trợ được hàng chục triệu người lao động

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Ông Hiểu chia sẻ, Công đoàn “số” sẽ thay vai trò của Công đoàn từ bốn chữ “H” – hát, hò, hiếu, hỉ bằng một Công đoàn “đối thoại – thương lượng”. Từ đó, hình thái, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn sẽ rất khác. COVID-19 vừa rồi cũng là dịp để nhìn thấy một hình ảnh Công đoàn đổi mới.

“Muốn làm được điều này, cần xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có trí tuệ, nhiệt huyết, có năng lực đối thoại thương lượng, dẫn dắt và truyền cảm hứng”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Cũng tại Diễn đàn đa phương 2021, Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã có nhận định về các chính sách để người lao động Việt Nam thích ứng được với cuộc CMCN 4.0.

Tổng Cục trưởng Dũng nói: Việt Nam đã có các chính sách rất sớm hỗ trợ người lao động từ năm 2017 và Cục cũng tham mưu cho Chính phủ các chương trình, một mặt tác động thay đổi thói quen trong lao động của người lao động, mặt khác tác động đến nguồn lực trong vấn đề đào tạo.

Ông Dũng cho rằng: “Trong chiến lược chuyển đổi số, Việt Nam có hướng tiếp cận từ dưới lên, từ những lực lượng yếu thế, những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa là cách tiếp cận đặc biệt của Việt Nam”.

Quy mô lực lượng lớn nên cần có các khóa đào tạo lớn để tạo sự đồng bộ, tài liệu hướng dẫn cũng cần được sớm hoàn thiện. Ông Dũng thông tin rằng sẽ sớm xây dựng một App hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho cơ sở đào tạo và cho người lao động.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.