Indonesia khai trương tuyến tàu cao tốc nhanh nhất Đông Nam Á

giao thông Indonesia
15:41 - 02/10/2023
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đi thử tàu cao tốc Jakarta - Bandung. Ảnh: AP
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đi thử tàu cao tốc Jakarta - Bandung. Ảnh: AP
Ngày 2/10, Indonesia chính thức khai trương tuyến tàu cao tốc đầu tiên của mình kết nối hai thành phố lớn nhất nước này là Jakarta và Bandung. Dự án này trị giá 7,3 tỷ USD nằm trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với Indonesia.

Theo hãng tin CNN, lễ khánh thành trang trọng được tổ chức tại nhà ga Halim tại thủ đô Jakarta ngày 2/10 với sự tham gia của Tổng thống Indonesia Joko Widodo và một số quan chức cấp cao khác. Phát biểu tại sự kiện, ông Widodo cho biết: “Tàu cao tốc Jakarta-Bandung là tàu cao tốc đầu tiên ở Indonesia và là tàu đầu tiên ở Đông Nam Á đạt tốc độ 350 km/h”.

Trong khi đó, ông Luhut Binsar Pandjaitan – Bộ trưởng điều phối hàng hải và đầu tư của Indonesia – nhận định: “Dự án này sẽ không thể hoàn thành nếu không có sự hợp tác từ tất cả các bên, bao gồm chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp Nhà nước, khu vực tư nhân và Nhà nước cũng như chính phủ Trung Quốc và các công ty liên quan”.

Được đặt tên là WHOOSH - viết tắt của “tiết kiệm thời gian, vận hành tối ưu, hệ thống đáng tin cậy” trong tiếng Indonesia, tuyến tàu này vận hành bằng điện không phát thải carbon trực tiếp và giúp cắt giảm thời gian di chuyển giữa Jakarta và Bandung từ 3 giờ xuống dưới một giờ.

Dự án được tài trợ chủ yếu bởi Trung Quốc và được đặt dưới sự giám sát của liên doanh Nhà nước PT Kereta Cepat Indonesia Trung Quốc (PT KCIC), bao gồm 4 công ty Nhà nước Indonesia và Công ty TNHH Đường sắt Quốc tế Trung Quốc - một công ty con của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC).

Tàu cao tốc mới sẽ qua lại giữa ga xe lửa Halim ở Đông Jakarta và ga xe lửa Padalarang của Tây Bandung ở Tây Java, thành phố lớn thứ hai của Indonesia và là trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn. Để thuận tiện kết nối với các hệ thống giao thông công cộng địa phương và phù hợp với điều kiện khí hậu Indonesia, các đoàn tàu được thiết kế đặc biệt và trang bị hệ thống an toàn có thể ứng phó với động đất, lũ lụt và các tình trạng khẩn cấp khác.

Theo thông tin do PT KCIC công bố, tuyến đường sắt có 8 toa được trang bị hiện đại và có sức chứa 601 hành khách. Khách hàng có thể lựa chọn 3 hạng ghế phù hợp với nhu cầu bản thân bao gồm hạng nhất, hạng hai và VIP.

Tàu cao tốc Jakarta - Bandung. Ảnh: AP

Tàu cao tốc Jakarta - Bandung. Ảnh: AP

Trước đó khi phát biểu với các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc tại một buổi lễ hồi đầu tháng 9, Giám đốc PT KCIC Dwiyana Slamet Riyadi tiết lộ các bên đang tiến hành đàm phán để mở rộng tuyến đường cao tốc tới Surabaya - một cảng lớn và thủ phủ của tỉnh Đông Java. Ngoài ra, điểm dừng tại các thành phố lớn khác như Semarang và Yogyakarta, cửa ngõ vào Borobudur – ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thế giới – cũng đang được lên kế hoạch.

Ngày 6/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng đã có chuyến đi thử nghiệm đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông tới Indonesia nhằm tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 cùng các hội nghị cấp cao liên quan.

Theo Tân Hoa Xã đưa tin, ông đã thực hiện chuyến đi thử nghiệm từ ga Halim tới ga Karawang và đồng thời thị sát công tác xây dựng tại đây. Quãng đường trên dài tổng cộng 40km và được thực hiện trong thời gian vỏn vẹn 11 phút.

Nhận định về dự án, ông Lý Cường cho biết tuyến đường sắt cao tốc là con đường đi tới hội nhập, cởi mở và thịnh vượng chung do phương thức vận tải này không chỉ rút ngắn khoảng cách về thời gian và không gian giữa các thành phố mà còn có thể thúc đẩy việc tối ưu hóa và nâng cấp cơ cấu công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế dọc theo tuyến đường.

Kế hoạch ban đầu là mở tuyến Jakarta - Bandung vào năm 2018 sau khi động thổ vào năm 2016. Tuy nhiên, dự án đã gặp phải nhiều chậm trễ, với một trong những nguyên nhân lớn nhất chính là những khó khăn trong việc thu hồi đất do thiếu thông tin liên lạc và bồi thường cho chủ đất. Đại dịch Covid-19 cũng góp phần khiến việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này gặp phải những trì hoãn nhất định.

Theo Nikkei Asia, tổng chi phí của dự án cuối cùng vượt xa ước tính 5,5 tỷ USD ban đầu và chính phủ Indonesia buộc phải chi thêm tiền từ kho bạc Nhà nước.

Hành khách ngồi chờ tại ga Halim, Jakarta. Ảnh: AFP

Hành khách ngồi chờ tại ga Halim, Jakarta. Ảnh: AFP

Tin liên quan

Đọc tiếp