KBSV kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tại MB năm 2022 tăng gần 50%

NGÂN HÀNG Việt nAM
21:00 - 17/11/2022
KBSV kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tại MB năm 2022 tăng gần 50%
0:00 / 0:00
0:00
Theo KBSV, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của ngân hàng MB ước đạt 18.661 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ nhờ giảm chi phí dự phòng, NIM dần cải thiện.

Tại báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HoSE: MBB) ngày 16/11, Chứng khoán KBSV cho biết, danh mục trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng này đã giảm nhẹ trong quý III/2022, nhưng vẫn tăng 16% so với đầu năm.

Các khoản đầu tư trái phiếu vẫn đang đem lại lợi suất đầu tư tốt và được đánh giá là nợ nhóm 1. Theo KBSV, MB vẫn có thể đẩy mạnh cho vay mà không phải cắt giảm danh mục chứng khoán đầu tư của mình.

Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1%

Theo KBSV, tính tới cuối quý III/2022, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của MB giảm về 1%, riêng nợ xấu tại ngân hàng mẹ là 0,9%. Trong đó, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu giảm xuống 207,7% nhưng vẫn ở mức cao so với các ngân hàng khác.

Chuyên gia KBSV cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu được cải thiện do MB đã mạnh tay xoá khoảng 2.760 tỷ đồng nợ xấu ngay trong quý III, trong khi 6 tháng đầu năm con số này chỉ đạt 1.100 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, nợ nhóm 2 duy trì xu hướng tăng nhanh trong quý III, tăng 22,7% so với quý trước tạo nên rủi ro nợ xấu tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, khách hàng được tái cơ cấu vẫn đang có sự hồi phục tốt cùng những nổ lực của ngân hàng trong việc thu hồi nợ đã giúp dư nợ tái cơ cấu tiếp tục giảm 33,3% xuống còn khoảng 2.200 tỷ đồng vào cuối quý III, chiếm 0,52% tổng dư nợ.

Sau 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại MB là 17,1%, quy mô dư nợ tín dụng đạt 475.000 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng cho vay có sự cải thiện khoảng 2,9% trong quý III/2022 nhờ đợt nới room tín dụng vừa qua của Ngân hàng Nhà nước.

Room tín dụng được giao của MBBank cho cả năm 2022 là khoảng 24% - thuộc nhóm cao nhất ngành nhờ tham gia tiếp nhận tổ chức tín dụng yếu kém. Theo KBSV, ngân hàng này đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ và kế hoạch tiếp nhận lại Ocean Bank để nộp lên Ngân hàng Nhà nước, dự kiến có thể hoàn thiện thủ tục vào năm 2023.

Về hoạt động tái cơ cấu lại danh mục cho vay với ưu tiên cho vay cá nhân và SME siêu nhỏ của nhà băng vẫn đang đi đúng hướng. Dư nợ cho vay cá nhân tính đến cuối quý III là khoảng 206.000 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm.

Tỷ trọng cho vay cá nhân nhờ đó cải thiện lên mức 48% (năm 2020 là 44%, năm 2021 là 46%) trong khi đó mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng chậm hơn, ở mức 12% so với đầu năm. Từ đó, quy mô dư nợ giảm dần xuống chỉ còn chiếm 45% tổng cho vay (trong những năm trước thường chiếm từ 47-55%).

Do đó, KBSV kỳ vọng chuyển dịch cơ cấu sang cho vay khách hàng cá nhân sẽ tác động tích cực lên tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng.

Tín dụng năm 2023 đạt 30%

So với mức được giao là 24%, KBSV cho rằng, ngân hàng sẽ không mở rộng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động cho vay sẽ cẩn trọng hơn cũng như huy động tiền gửi đang gặp khó khăn. Do đó, chuyên gia KBSV giữ nguyên giả định tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 tại MBBank là 22%.

Cho năm 2023, chuyên gia kỳ vọng, câu chuyện tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn, việc ngân hàng này có thể sẽ bắt đầu quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém sẽ giúp MB được nới room tín dụng lên 30%.

Riêng về NIM ngân hàng, theo KBSV, sau 9 tháng, biên lãi thuần đang có kết quả tốt hơn dự kiến, vì vậy chuyên gia dự phóng NIM 2022 sẽ đạt mức 5,77%, tăng 7,3% so với cùng kỳ do chi phí huy động đang có xu hướng tăng chậm hơn lãi suất đầu ra bình quân.

Đối với năm 2023, NIM tại MB vẫn sẽ khả quan nhờ đến thời điểm tái định lại lãi cho vay cùng với việc đẩy mạnh cho vay cá nhân, KBSV kỳ vọng, NIM 2023 sẽ đạt 6,10%.

Cùng với việc tỷ lệ nợ xấu giảm cũng như tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì ở mức cao, cho cả năm 2022, KBSV đã giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 5.916 tỷ đồng, giảm 11% so với giả định trước đó của công ty này. Trong khi đó, chi phí dự phòng của năm 2023 được dự báo là khoảng 6.188 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Trước các dự phóng về tình hình kinh doanh năm 2022-2023, KBSV kỳ vọng, lợi nhuận sau thuế riêng ngân hàng MB năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt đạt 18.661 tỷ và 24.508 tỷ đồng, tăng 47% và 31,3% so với cùng kỳ.

Cùng dự báo về lợi nhuận tại MB, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) kỳ vọng, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của MB ước đạt 16.736 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Kết quả trên đạt được nhờ vào kỳ vọng hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trung bình ngành ở mức là 20,6% trong năm nay nhờ vào phân khúc khách hàng cá nhân và SME. Tốc độ tăng trưởng huy động từ tiền gửi khách hàng kỳ vọng là 20%/năm.

Bên cạnh đó, TPS cũng dự báo, NIM ngân hàng kỳ vọng duy trì ở mức cao và mức trích lập dự phòng không tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh ngoại hối tiếp tục duy trì tăng trưởng cao 58% trong năm 2022. Chi phí hoạt động tiếp tục kiểm soát tốt. Tỷ lệ nợ xấu duy trì mức thấp nhỏ hơn 1,5% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, trích lập dự phòng sẽ không tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.