KBVS kỳ vọng tăng trưởng quý 4/2022 duy trì mức ổn định 5,3%

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
07:56 - 17/10/2022
KBVS kỳ vọng tăng trưởng quý 4/2022 duy trì mức ổn định 5,3%
0:00 / 0:00
0:00
Dù nhận định tăng trưởng ổn định trong quý IV năm nay, KBVS đánh giá lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn là yếu tố khó lường có thể kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam.

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 lên 7,8% và kỳ vọng tăng trưởng quý 4/2022 duy trì mức tăng trưởng ổn định 5,3%. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng được đưa ra bao gồm đầu tư công, xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi nhờ lộ trình tham gia các hiệp định FTA; dòng vốn FDI ổn định và tiêu dùng nội địa tích cực.

Đầu tư công được kỳ vọng là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Theo KBVS, đầu tư công được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm đạt 253,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% kế hoạch năm và tăng 15,8%. Tuy tốc độ giải ngân hiện vẫn còn hạn chế nhưng đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhất là trong quý IV.

Hơn nữa, kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, nên thực tế những tháng đầu năm chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục và triển khai trong thời gian tới.

Để đốc thúc việc giải ngân đầu tư công cho giai đoạn cuối năm, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, 3 công điện và chỉ đạo 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

"Theo đó, chúng tôi kỳ vọng từ cuối năm 2022, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, có kết quả rõ nét hơn và có thể đạt 90 - 95% kế hoạch, tương ứng với giải ngân hơn 200 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng cuối năm", KBVS kỳ vọng.

Bức tranh xuất nhập khẩu

Cũng theo đánh giá của KBVS, việc các FTA được ký kết đang có hiệu lực (CPTPP, EVFTA, UKFTA, RCEP…) giúp doanh nghiệp xuất khẩu trong nước dần nắm bắt được các lợi thế cạnh tranh khi được hưởng lợi từ các mức thuế quan ưu đãi.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các chuyên gia đánh giá kim ngạch xuất khẩu Việt Nam các tháng cuối năm sẽ chịu nhiều áp lực hơn, đến từ các yếu tố như xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) có thể chậm lại do nhu cầu tại các thị trường lớn giảm sút.

Cụ thể, 43% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tương ứng 82,5 tỷ USD đến từ máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, đóng góp chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI. Trong khi đó các tập đoàn lớn như Samsung (chiếm 50% tỷ trọng đóng góp giá trị xuất khẩu hàng điện từ của khối này) đang thu hẹp sản xuất, cắt giảm số ngày làm việc của công nhân từ 5 ngày/tuần xuống 3 ngày/tuần và khuyến khích các kỳ nghỉ cho công nhân.

Cùng với đó, theo phân tích của các chuyên gia, việc VND tăng giá so với các đồng tiền của đối tác thương mại (do neo theo USD), khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam giảm tính cạnh tranh.

Kỳ vọng dòng vốn FDI

Ở một khía cạnh khác, KBVS cho rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục vào Việt Nam nhờ mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế và tận dụng tốt các lợi thế có sẵn, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng nhờ các yếu tố thuận lợi nhờ số lượng lớn các hiệp định đã ký kết, vị trí địa lý, lực lượng lao động dồi dào với chi phí nhân công thấp tương đối, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ...

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng được đánh giá là cơ hội cho Việt Nam, khi các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Xét riêng cho 9 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn FDI đạt 15,4 tỷ USD và vốn đăng ký bổ sung tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ đạt 8,35 tỷ USD, tăng 29,9%. Số liệu này phản ánh nhà đầu tư nước ngoài lạc quan với môi trường kinh doanh và tiếp tục đa dạng, mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Tốc độ phục hồi tiêu dùng nội địa mạnh mẽ

Một yếu tố nữa được kỳ vọng hỗ trợ tăng trưởng Việt Nam là ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch sẽ tiếp tục sôi động những tháng cuối năm 2022. Báo cáo KBVS chỉ ra lĩnh vực này cũng cho những tín hiệu tích cực hơn nhờ các yếu tố: Du lịch nội địa và quốc tế sôi động hơn; kỳ vọng lượng khách quốc tế đến từ thị trường này vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh vào các tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, vẫn là yếu tố khó lường có thể kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam khi xung đột Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nguồn cung hàng hóa cơ bản, nông sản và năng lượng thế giới vẫn gián đoạn gia tăng áp lực chi phí đẩy.

Mặt khác, ngân hàng trung ương các nước lớn trên thế giới đã đồng thuận tăng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ. Nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia đối tác thương mại chính của Việt Nam là Mỹ và EU, Trung Quốc đều có xu hướng suy giảm trước rủi ro suy thoái kinh tế, do vậy có thể trở thành thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Biến động xăng dầu có thể làm gia tăng áp lực lạm phát quý IV

Riêng với lạm phát, theo các chuyên gia KBVS, áp lực lạm phát từ chính sách tiền tệ hiện nay chưa đáng lo ngại khi Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, theo thứ tự ưu tiên, giúp không tạo áp lực quá lớn lên lạm phát.

Rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong quý IV sẽ đến từ việc giá xăng dầu tăng trở lại theo diễn biến giá xăng dầu thế giới khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa đông tăng mạnh.

"Nhưng chúng tôi kỳ vọng việc Chính Phủ ưu tiên bình ổn giá xăng dầu trong nước thông qua việc giảm thuế môi trường trên giá bán đầu ra, hoặc xem xét các đề xuất khác liên quan tới việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng trên giá bán đầu ra nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang, sẽ giúp kìm cương đà tăng của lạm phát", báo cáo nêu.

Do đó, nhóm phân tích KBVS nhận định lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3,8% cho cả năm 2022.


Tin liên quan

Đọc tiếp