Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và các cuộc họp liên quan tại Jakarta

Ngoại Giao asean
11:48 - 11/07/2023
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra tại thủ đô Jakartar của Indonesia - chủ tịch của ASEAN năm 2023 với sự tham gia của nhiều đối tác.
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra tại thủ đô Jakartar của Indonesia - chủ tịch của ASEAN năm 2023 với sự tham gia của nhiều đối tác.
0:00 / 0:00
0:00
Từ 11/7 đến 14/7, các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN cùng những người đồng cấp tới từ Trung Quốc, Nga, Mỹ cũng như các đối tác quan trọng khác sẽ cùng gặp mặt tại thủ đô Jakarta của Indonesia trong một loạt các cuộc họp thường niên.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia, 29 quốc gia, cũng như Ban thư ký ASEAN và Liên minh châu Âu (EU), sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 trong tuần này. Đặc biệt, AMM lần này sẽ có sự tham gia của Timor-Leste – quốc gia hồi năm 2022 đã được cấp tư cách quan sát viên trong khối.

Các bộ trưởng ASEAN cũng sẽ tham dự 3 cuộc họp nhóm lớn trong khuôn khổ AMM bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 với các đối tác từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai cuộc họp khác bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ và cuối cùng là Diễn đàn Khu vực ASEAN với tất cả các thành viên EAS, Canada và Liên minh Châu Âu, cùng với Bangladesh, Mông Cổ, Triều Tiên, Pakistan, Papua New Guinea, Sri Lanka và Timor-Leste.

Tính tới hiện tại, có khoảng 1.165 đại biểu và 493 nhà báo đăng ký tham dự. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến cũng sẽ có mặt tại Jakarta trong những ngày tới.

Nhận định về sự kiện quan trọng này, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi trong một cuộc họp báo trước thềm AMM tại Jakarta ngày 7/7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố sự vững chắc và thống nhất của ASEAN để có thể tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực trong bối cảnh “tình hình thế giới đầy rẫy những cạnh tranh gay gắt hiện nay”.

Về phần nội dung thảo luận, Straits Times trích dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Singapore ngày 10/7 cho biết hội nghị sẽ “xem xét các nỗ lực Xây dựng Cộng đồng ASEAN và tái khẳng định vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN trong bối cảnh kiến trúc khu vực đang phát triển”.

Ngoài các chủ đề trên, các Ngoại trưởng ASEAN dự kiến sẽ thảo luận về quá trình phục hồi và hội nhập kinh tế sau đại dịch của khối, tiến độ xây dựng nền tảng cho tăng trưởng và phát triển dài hạn theo chủ đề “Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm của Tăng trưởng” được chủ tịch năm 2023 là Indonesia đưa ra.

Bên cạnh hợp tác kinh tế và phản ứng tập thể của ASEAN đối với các thách thức khu vực và toàn cầu, một trọng tâm chính khác dự kiến được đưa vào thảo luận là tình hình ở Myanmar. Kể từ khi quân đội quốc gia này phát động một cuộc đảo chính chống lại chính phủ hồi tháng 2/2021, Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn.

ASEAN đã đưa ra kế hoạch hòa bình 5 điểm nhằm kêu gọi đối thoại giữa tất cả các bên, chấm dứt ngay bạo lực, bổ nhiệm một đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện hòa giải, hỗ trợ nhân đạo và chuyến thăm của một phái đoàn ASEAN tới Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, các nỗ lực này không tạo ra nhiều sự khác biệt.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia từng cam kết sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện tình hình ở Myanmar. Ngoài việc tiến hành 110 cuộc gặp toàn diện và sâu sắc với nhiều bên khác nhau tại Myanmar, chính phủ Indonesia cũng khuyến khích các bên liên quan xây dựng một cuộc đối thoại quốc gia toàn diện.

Đọc tiếp