Khó xảy ra cuộc Chiến tranh lạnh mới vì vấn đề Biển Đông

biển Đông chiến tranh lạnh
21:15 - 18/11/2021
Hội thảo biển Đông lần thứ 13
Hội thảo biển Đông lần thứ 13
0:00 / 0:00
0:00
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay đang diễn ra phức tạp, trong đó vấn đề biển Đông giống như một bức tranh màu xám trong quan hệ hai nước khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng tại khu vực này.

Trong một năm qua, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới. Cạnh tranh giữa các nước lớn song hành với các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đã đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN.

Trong khi Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao tổ chức với chủ đề "Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn", khai mạc sáng 18/11 tại Hà Nội. Sự kiện kéo dài hai ngày gồm 8 phiên thảo luận, với sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến. Đặc biệt có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia và 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm 15 đại sứ, tham dự.

Đại sứ Giorgio Aliberti, trưởng phái đoàn ngoại giao EU tại Việt Nam, giữ vai trò người điều phối tại phiên thảo luận đầu tiên của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13.
Đại sứ Giorgio Aliberti, trưởng phái đoàn ngoại giao EU tại Việt Nam, giữ vai trò người điều phối tại phiên thảo luận đầu tiên của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13.

Tiến sỹ Anna Kireeva, diễn giả đến từ Viện Nghiên cứu quốc gia Moscow về Quan hệ quốc tế chia sẻ: Trong bối cảnh chúng ta đang tập trung nhiều cho các mối quan hệ liên minh, hợp tác thì việc nổ ra một cuộc Chiến tranh lạnh là vô cùng khó.

“Có vẻ như chúng ta đang nhầm lẫn giữa cạnh tranh phát triển với đối đầu trực tiếp và mọi người đang trầm trọng hóa vấn đề ở một khu vực. Hiện nay Hoa Kỳ đang theo đuổi chiến lược xây dựng những liên minh để giải quyết những vấn đề và thách thức mới nổi, điều này cũng hình thành nên một xu hướng hợp tác thay vì đối đầu”, chuyên gia đến từ Nga phân tích thêm.

Bà cũng nhấn mạnh Biển Đông đóng vai trò rất quan trọng, vì thế Nga luôn ủng hộ cách tiếp cận lấy ASEAN làm trung tâm để giải quyết các vấn đề trong khu vực.

Tiến sĩ Anna Kireeva Viện Nghiên cứu quốc gia Matxcova về Quan hệ quốc tế chia sẻ quan điểm về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh lạnh.

Tiến sĩ Anna Kireeva Viện Nghiên cứu quốc gia Matxcova về Quan hệ quốc tế chia sẻ quan điểm về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh lạnh.

Đồng tình với diễn giả Anna Kireeva, Tiến sỹ Shuxian Luo, nghiên cứu viên của chương trình Chính sách đối ngoại Viện Brookings cho biết: "Các quốc gia trên thế giới cũng như các nước khu vực ASEAN không hề mong muốn một cuộc Chiến tranh lạnh xảy ra. Trong cuộc cạnh tranh và sự đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, vai trò của ASEAN giống như bước đệm về mặt chính trị, vì vậy khối cần cân bằng mối quan hệ với hai nước lớn. Bên cạnh đó, ASEAN nên tránh nghiêng về một bên để không bị ảnh hưởng nhiều nhất".

Chuyên gia Shuxian Luo đề xuất cả Mỹ và Trung Quốc đều cần hành động để giảm căng thẳng tại Biển Đông. Trong đó, Bắc Kinh cần đưa ra cam kết không tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, không cải tạo và triển khai thêm khí tài đến các thực thể nước này đang chiếm đóng bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời cam kết tôn trọng quyền tự do đi lại của tàu bè nước ngoài.

Về phía Mỹ, theo bà Luo, Washington cần giảm tần suất các chuyến bay tự do đảm bảo hàng hải (FONOP) và cam kết không triển khai tên lửa đạn đạo đến chuỗi đảo ở khu vực miền nam Nhật Bản nằm gần Trung Quốc nhất.

Tiến sĩ Shuxian Luo nghiên cứu viên của chương trình Chính sách đối ngoại viện Brookings phát biểu trong hội thảo.

Tiến sĩ Shuxian Luo nghiên cứu viên của chương trình Chính sách đối ngoại viện Brookings phát biểu trong hội thảo.

Trong bối cảnh cạnh tranh Trung Quốc - Hoa Kỳ ngày một căng thẳng, ảnh hưởng đến khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Tiến sỹ Sang Hyun Lee, Chủ tịch viện Nghiên cứu Sejong Hàn Quốc, bày tỏ quan điểm: "Một cuộc chiến tranh lạnh mới do căng thẳng giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ là điều khó có thể xảy ra. Dù là đồng minh của Hoa Kỳ, chúng tôi cũng có những mối quan hệ hợp tác quốc tế chặt chẽ với Trung Quốc. Hàn Quốc cũng như các nước khác đều mong muốn duy trì những quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc nhằm mang lại lợi ích chung cho cả hai phía".

Chuyên gia đến từ Hàn Quốc nhận định, dù sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc làm tình hình quốc tế trở nên phức tạp hơn nhưng tất cả đều có mục đích và mối quan tâm chung là nuôi sống và phát triển kinh tế cho hơn 7 tỉ người trên thế giới. Chính vì vậy việc nổ ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ không đem lại lợi ích cho bất kì ai nên khả năng này là rất thấp.

Tiến sỹ Sang Hyun Lee Chủ tịch viện Nghiên cứu Sejong Hàn Quốc tại hội thảo.

Tiến sỹ Sang Hyun Lee Chủ tịch viện Nghiên cứu Sejong Hàn Quốc tại hội thảo.

Quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ bắt đầu căng thẳng từ cuộc chiến tranh thương mại và trong quá trình cạnh tranh đó, khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đang trở thành khu vực địa chính trị đóng vai trò quan trọng hàng đầu và có thể trở thành khu vực cạnh tranh chính giữa hai siêu cường.

Cạnh tranh song phương không chỉ về thương mại và kinh tế mà cả về sức ảnh hưởng trong khu vực và trên biển. Nếu sự đối đầu dẫn đến hình thành một cuộc Chiến tranh lạnh mới không chỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc và Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, các quốc gia ở giữa hai nước lớn, đặc biệt là khối ASEAN cần có tiếng nói mạnh hơn về vấn đề này để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ Chiến tranh lạnh mới.

Với những phân tích từ các chuyên gia dự Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, một cuộc Chiến tranh lạnh 2.0 khả năng cao sẽ không xảy ra bởi căng thẳng Mỹ - Trung chủ yếu xoay quanh vấn đề cạnh tranh về kinh tế, công nghệ, thương mại, ngoại giao chứ không phải quân sự.

Trong khi đó các quốc gia ngày nay đều đang phụ thuộc vào nhau nhiều hơn và đều có chung mục đích phát triển kinh tế. Xu hướng chung của thế giới hiện nay cũng là hợp tác cùng phát triển, hạn chế đối đầu, hội nhập và toàn cầu hóa, những thành tố đủ để ngăn khả năng xảy ra cuộc Chiến tranh lạnh mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp