Khơi mở động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng năm 2023 có thể đạt 5,5-6%

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
16:50 - 19/09/2023
TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.
TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.
0:00 / 0:00
0:00
TS. Cấn Văn Lực nhận định, nếu tận dụng tốt những gì có trong tay, khơi mở các động lực tăng trưởng mới, nền kinh tế chắc chắn sẽ có thêm những điểm tăng trưởng.

Tiếp tục chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chiều 19/9, phiên toàn thể được diễn ra với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững".

Trình bày tham luận tại phiên họp, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đã có những chia sẻ về động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Theo ông Lực, trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, vì vậy muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài.

Theo đó, Nhóm Nghiên cứu kiến nghị hai nhóm giải pháp chính: Nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu; Nhóm giải pháp phát huy, khai thác động lực tăng trưởng mới.

Tận dụng tốt những gì có trong tay

Nhận diện 6 động lực truyền thống, gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp; khu vực dịch vụ; đầu tư (đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân) ; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; tiêu dùng, TS. Lực cho rằng, trước mắt, làm thế nào để "tận dụng tốt những gì có trong tay".

Cụ thể, thực hiện thành công các cơ chế, chính sách, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành thời gian qua; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng hiện hữu, gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu tiêu dùng nội địa.

Hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư; quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP HCM …

Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác) nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, cần chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh việc này đang chậm quá, gây lãng phí nguồn lực, TS. Lực nhìn nhận.

Khai thác động lực mới

Đề cập đến các động lực tăng trưởng mới, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, từ năm 2020 đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới biến chuyển nhanh chóng, với hai nguyên nhân lớn nhất là đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine.

Theo đó, nhu cầu và hành vi đầu tư, tiêu dùng đã thay đổi theo hướng tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe nhiều hơn, nhiều mô hình kinh doanh, xu hướng công nghệ mới phát triển nhanh hơn so với dự đoán. Từ đó, những xu thế vận động mới này có thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung - dài hạn.

Lượng hóa các động lực tăng trưởng theo các kịch bản, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã tính được, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 20% GDP và đóng góp khoảng 0,63 - 1,35 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP hàng năm (đến 2025).

Năng suất lao động nếu tăng được khoảng 5-5,3% giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu là 6,5%) và tăng 6-6,5% giai đoạn 2026-2030 (mục tiêu là 6,8-7%), thì tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 40-45% giai đoạn 2021-2025 và 50-55% giai đoạn 2026-2030;

Động lực từ khu vực kinh tế tư nhân, nếu có đột phá về cơ chế, chính sách thì khu vực này có thể đóng góp khoảng 45% GDP đến năm 2025 và 50-55% GDP đến năm 2030.

Động lực từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế. Đây có thể đánh giá là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất, bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh – đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Tùy quy mô và chất lượng hoàn thiện thể chế có thể đóng góp 0,05 - 0,27 điểm %/năm vào tăng trưởng GDP.

Tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8 -2% GDP và đến năm 2030 là 3,3-3,5% GDP. Mức đóng góp của kinh tế xanh vào GDP tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021-2050.

Động lực từ quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (2022), việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp tăng thêm 2 - 3% GDP của Việt Nam mỗi năm

Ngoài ra, vị chuyên gia này nhấn mạnh, liên kết vùng, nếu làm tốt, thì sẽ có thêm nhiều động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội và TP HCM.

Đề cập đến các giải pháp khai thác động lực mới, TS. Cấn Văn Lực cũng kiến nghị 6 nội dung nhằm phát huy, khai thác những động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm.

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đầu thầu. Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bao gồm cả cơ chế thử nghiệm.

Thứ hai, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia, sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số quốc gia đã làm.

Thứ ba, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Theo đó, cần có đánh giá, rà soát việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân để có đề xuất cập nhật, điều chỉnh phù hợp bối cảnh mới hiện nay.

"Trung Quốc vừa thành lập Cơ quan hỗ trợ Kinh tế tư nhân với chức năng chính là thiết kế chính sách, phối hợp chính sách và đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khu vực này", ông Lực chia sẻ thông tin.

Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể là sớm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chương trình/chiến lược thực hiện cam kết "Zero – carbon" đến năm 2050.

Thứ năm, xây dựng đề án, chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ sáu, chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Vì đây vừa là tài sản quý giá, vừa là cơ sở ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức và giám sát thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.

Kịch bản tăng trưởng 2023

TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2-5,5%.

Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4-4,5%.

Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP HCM tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%.

Tin liên quan

Đọc tiếp