PGS.TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt sống lâu nhưng 'chậm lớn'

DOANH NGHIỆP QUỐC HỘI
11:09 - 19/09/2023
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sáng 19/9, với năng lực chống chịu và trụ hạng hiếm có nhưng đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong năm 2022 khi tăng trưởng hơn 8% so với mức tăng trưởng thấp của thế giới. “Những thành tích kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đều chứng tỏ năng lực trụ hạng, khả năng đối mặt các cơn gió ngược. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng ‘là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm’”, PGS Thiên nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng đưa ra hai vấn đề lớn với nền kinh tế hiện nay. Thứ nhất là xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1% tốc độ bình quân. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích xu hướng này một cách có hệ thống và mang tính thuyết phục cao.

Thứ hai là những nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế. Điển hình như việc doanh nghiệp giỏi chống chịu, sống lâu nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Dù phải chịu lãi suất cao trong thời gian dài nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại một cách bền bỉ.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực chống chịu và trụ hạng hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé, cứ ‘chậm lớn’, ‘khó lớn’, ‘ngại lớn’, và ‘li ti hóa’ trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt?”, PGS bày tỏ băn khoăn.

“Hay câu chuyện thừa tiền nhưng thiếu vốn, tiền không chạy được nên nền kinh tế khát vốn. Doanh nghiệp sau 3-4 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cạn kiệt đã kiệt sức nhưng các ngân hàng cho vay khó mà người muốn vay cũng không dám vay. Kho bạc có hàng triệu tỷ đồng nhưng khó giải ngân. Nguồn lực không thể khơi thông khiến các động lực tăng trưởng chậm lại”, PGS Thiên nêu.

PGS Trần Đình Thiên cũng nêu các nghịch lý khác như: Các “đầu tàu” kinh tế là TP HCM và Đông Nam Bộ trong 15 năm qua tốc độ tăng trưởng sụt giảm mặc nguồn lực tư nhân nội địa lẫn FDI vào khu vực này vẫn cao nhất; nền kinh tế đang theo xu hướng nhị nguyên khi khu vực kinh tế nội địa và FDI đang không liên kết, có sự phân biệt...

Tăng trưởng GDP dài hạn của Việt Nam (1991-2021).

Tăng trưởng GDP dài hạn của Việt Nam (1991-2021).

Theo vị chuyên gia, để có nền kinh tế tăng trưởng, quan trọng nhất là phải thông, tìm được những chỗ ách tắc, và điều kiện để lưu thông là phải đảm bảo "tam thông": Thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế (công khai, minh bạch, giảm bớt cơ chế xin cho), thông minh vận hành (bộ máy linh hoạt, không phụ thuộc quá vào cơ chế).

Đề xuất các giải pháp, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường nhất nguyên, kết nối khu vực kinh tế nội địa và khu vực FDI; củng cố cơ chế chính sách; quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam; phát triển các thị trường nội bộ, đặc biệt là thị trường đất đai, thị trường tài chính; chủ động chuyển sang xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số...

Cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, trong 8 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 124.700 doanh nghiệp. Con số này cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021, gần bằng giá trị của cả năm 2022. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

Sức khoẻ của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thể hiện qua một chỉ số khác là xuất nhập khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam từ sản phẩm điện tử, may mặc, đồ gỗ cho đến thủy hải sản…

Ông Đậu Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Đậu Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông Tuấn, ngoài nguyên nhân khách quan của kinh tế toàn cầu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì cũng có nhiều nguyên nhân từ trong nước, từ thể chế, chính sách. Vì vậy, ông cho rằng để đưa nền kinh tế trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao thì cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt đó.

Chuyên gia VCCI đề cập một số rào cản, khó khăn cụ thể mà các doanh nghiệp Việt Nam đang mong mỏi được tháo gỡ: Chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi (vốn, đất đai); chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh (vốn, thuế, phí); chất lượng các quy định pháp luật cần tiếp tục cải thiện...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.