Yếu tố then chốt để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình

KINH TẾ Việt nAM
14:41 - 19/09/2023
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia của UNDP.
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia của UNDP.
0:00 / 0:00
0:00
Để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, yếu tố then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia.

Đó là ý kiến của ông Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tại phiên thảo luận chuyên đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Xã hội năm 2023 sáng 19/9.

Chuyên gia UNDP cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia có thể duy trì tăng năng suất về lâu dài, trong đó Mỹ dẫn đầu và phần lớn còn lại là các nước châu Âu. Điểm chung của các quốc gia này là xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để tăng quy mô sản xuất các ngành cả công nghiệp và nông nghiệp.

Theo ông Jonathan Pincus, trước đây ở khu vực Đông Nam Á có Thái Lan và Malaysia có tốc độ tăng năng suất lao động tăng nhanh, tuy nhiên hai nước này lại không duy trì được sau khủng hoảng tài chính châu Á. Khi đạt được mức thu nhập trung bình mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp, không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước.

“Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng ngưỡng mộ trong một thời gian. Vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không?” chuyên gia UNDP nói, đồng thời cũng khẳng định yếu tố then chốt chính là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia.

Ông Jonathan Pincus cho rằng, Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển rất thấp ở khu vực công, các viện nghiên cứu tư nhân thì chưa được khuyến khích phát triển. Các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó có thể đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển.

Chuyên gia của UNDP cũng chỉ rõ hai vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít, khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương, đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan bộ ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt...

Các đại biểu thảo luận về chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”.

Các đại biểu thảo luận về chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”.

Ông Jonathan Pincus cũng góp ý vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Hiện nay chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học, nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật. Trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ nên cũng cần được khuyến khích trở về.

Chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động ra sao?

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nhận định, nâng cao năng suất lao động là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong kỷ nguyên số như hiện nay, một doanh nghiệp sản xuất muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải chuyển đổi số. Như tại Rạng Đông, công ty đã chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực: Dây chuyền sản xuất, quy trình nghiệp vụ, mô hình điều hành, mô hình kinh doanh.

Trên các dây chuyền sản xuất, công ty xây dựng một hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt giúp tối ưu hoá lại quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực khai thác các nguồn lực.

“Ví dụ như các sản phẩm đèn LED, trước đây chỉ đạt 5 triệu sản phẩm/tháng nhưng sau khi chuyển đổi số đã tăng lên 7,5 triệu sản phẩm/tháng. Hay sản phẩm phích nước, mặc dù sản lượng không thay đổi nhưng nhờ chuyển đổi số mà thời gian lao động giảm gần 13%”, ông Kết chia sẻ. Ông cho biết thêm, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù rất khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, giá cả vật tư, lạm phát... nhưng chi phí sản xuất của Rạng Đông không tăng mà còn giảm.

Trên các dây chuyền nghiệp vụ, Rạng Đông áp dụng phần mềm thông minh, công cụ số, robot hoá... Còn trong điều hành, công ty thực hiện xây dựng mặt phẳng thông tin chung, như sử dụng văn phòng số để đưa tất cả thông tin lên mặt bằng chung, đồng bộ một cách nhịp nhàng tất cả các khâu từ nghiên cứu thiết kế, sản xuất đến phân phối.

Cũng nhờ chuyển đổi số, chúng tôi có thể tiếp cận các mô hình kinh doanh mới, đa kênh, từ online đến offline, thương mại điện tử. Doanh số thương mại điện tử của Rạng Đông trong năm 2022 đã tăng gấp 3 lần năm trước. Ông Nguyễn Đoàn Kết

Phó tổng giám đốc Rạng Đông chia sẻ thêm, nhờ chuyển đổi số, công ty tạo ra năng suất tổng hợp giúp kết quả kinh doanh tăng trưởng từ mức 8-10% lên 18-20%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.