Khối ngoại rút ròng hàng chục nghìn tỷ đồng khỏi TTCK có đáng lo?

KHỐI NGOẠI CHỨNG KHOÁN
16:51 - 16/12/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Đà bán ròng chưa có dấu hiệu ngưng của khối ngoại khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu động lực đi lên.

Thống kê từ VietstockFinance, chỉ trong nửa đầu tháng 12, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 7.500 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nâng tổng luỹ kế bán ròng năm 2023 lên gần 20.000 tỷ đồng. Đà bán ròng của khối ngoại ròng rã suốt 8,5 tháng (từ tháng 4 đến nay), trong đó áp lực mạnh nhất là nửa đầu tháng 12 vừa qua.

Trong nửa đầu tháng 12, mã bị bán ròng mạnh nhất là VHM với giá trị gần 1.150 tỷ đồng, kế đến là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (766 tỷ đồng), HPG (622 tỷ đồng), STB và VNM trên 500 tỷ đồng; VCB, MSN và VPB hơn 300 tỷ đồng... Còn tính từ đầu năm đến nay, mã bị bán ròng mạnh nhất là EIB với giá trị hơn 5.000 tỷ đồng, tiếp sau là MWG và VPB hơn 3.000 tỷ đồng; STB, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VNZ, VHM, MSN hơn 2.000 tỷ đồng...

Năm 2022, khối ngoại bán ròng trong nửa đầu năm nhưng quay lại mua ròng mạnh trong nửa cuối năm khi VN-Index giảm sâu về dưới mốc 900 điểm. Nhờ đó, tổng giá trị mua ròng năm ngoái đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng tới hơn 60.000 tỷ đồng, năm 2020 rút ròng hơn 18.000 tỷ đồng.

Lý do khiến nhà đầu tư Thái Lan rút ròng

Lý giải về động thái bán ròng của khối ngoại trong chương trình Gõ cửa tháng mới của Chứng khoán SSI mới đây, ông Bùi Văn Tốt - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết, một phần lực bán ròng thời gian này đến từ các nhà đầu tư Thái Lan, liên quan đến chính sách thuế sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024.

Theo ông Tốt, Thái Lan sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài lũy tiến giống như thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam. Do đó, khối ngoại sẽ bán ra trước khi bắt đầu năm mới, sau đó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại.

Dữ dội hơn thị trường Việt Nam, chứng khoán Thái Lan được mua ròng gần 6 tỷ USD trong năm 2022 trước khi bị chốt lời gần như toàn bộ kể từ đầu năm 2023 tới nay. Đà bán ròng diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này giảm 20% kể từ đầu năm nay, trong khi VN-Index tăng khoảng 10%. Ông Tốt cho rằng, đây cũng là lý do khiến dòng vốn từ Thái Lan rút một phần khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam và quay về nước.

Phân tích thêm về diễn biến dòng vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Bùi Văn Tốt cho rằng xu hướng chung trong năm nay là rút tiền khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam và quay trở lại các thị trường phát triển như Mỹ trong bối cảnh nền lãi suất bên Mỹ đang neo cao.

Top cổ phiếu mua/bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay (tỷ đồng). Nguồn: VietstockFinance

Top cổ phiếu mua/bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay (tỷ đồng). Nguồn: VietstockFinance

Dòng tiền nội từng đưa VN-Index lên đỉnh cao mới

Trong báo cáo nhận định về thị trường chứng khoán 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định mặt bằng lãi suất liên tục duy trì ở mức thấp trong phần lớn thời gian của năm 2024 có thể sẽ kích thích dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước chảy vào thị trường chứng khoán dồi dào hơn.

Tuy nhiên, bối cảnh đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên tương đối so với hầu hết các đồng tiền khác và mặt bằng lãi suất ở Mỹ vẫn tiếp tục giữ ở mức cao thì dòng tiền khối ngoại nhìn chung sẽ vẫn giữ xu hướng hạn chế giải ngân mới.

VCBS dự báo giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000 - 17.000 tỷ đồng trên cả ba sàn cho cả năm 2024, tương ứng giảm khoảng 5% so với năm 2023. Khối lượng giao dịch bình quân phiên cũng được dự báo giảm khoảng 5% so với năm 2023, tương ứng đạt khoảng 830 - 850 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn.

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán cập nhật đầu tháng 12, SGI Capital đánh giá điểm tiêu cực lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay là khối ngoại bán ròng. Điều này tạo áp lực lên chỉ số khi giá trị bán ròng chủ yếu tại các cổ phiếu vốn hoá lớn.

Tuy nhiên SGI Capital cho rằng, khối ngoại bán ròng tập trung ở một số cổ phiếu là hoạt động cơ cấu danh mục do những nhìn nhận về rủi ro ở từng nhóm cổ phiếu, hơn là rủi ro chung của toàn thị trường. Đồng thời quỹ đầu tư cũng nhìn thấy cơ hội đầu tư tốt ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm giá sâu dưới áp lực bán ròng của khối ngoại.

“Ngược lại với đà bán ròng của khối ngoại, tác động của lãi suất trong nước giảm mạnh đang là bệ đỡ vững vàng kích hoạt dòng tiền của nhà đầu tư nội mua vào khi khối ngoại bán ròng. Trong giai đoạn 2020-2021 khi lãi suất giảm mạnh tương tự như hiện nay, khối ngoại cũng liên tục bán ròng nhưng sự tham gia tích cực từ dòng tiền nội vẫn đưa VN-Index lên những đỉnh cao mới”, SGI Capital nêu góc nhìn lạc quan.

Tin liên quan

Đọc tiếp