Kịch bản nào cho xuất khẩu dệt may cả năm 2021?

Dệt May Việt nAM
12:20 - 25/11/2021
Kịch bản nào cho xuất khẩu dệt may cả năm 2021?
0:00 / 0:00
0:00
Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam 10 tháng đầu năm đạt 32 tỷ USD, kỳ vọng 2 tháng cuối năm sẽ mang về thêm 6 tỷ USD. Đây được coi là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới đang có sự phục hồi mạnh mẽ. 

2 tháng cuối năm có thể mang về 6 tỷ USD từ xuất khẩu dệt may

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 10 tháng qua của Việt Nam đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Hai tháng còn lại của năm, xuất khẩu dự kiến đạt 3 tỷ USD mỗi tháng, cả năm có thể đạt khoảng 38 tỷ USD.

Xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%. Xuất khẩu vải các loại ước đạt 2 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm vải địa kỹ thuật (vải làm đường, làm lốp xe) vào các thị trường Canada, Mỹ và Ấn Độ... với trị giá gần 640 triệu USD trong 10 tháng qua, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2020.

Như vậy, con số xuất khẩu dự kiến cả năm 2021 dệt may Việt Nam sẽ đạt 37,92 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020. Trước khi xảy ra đại dịch, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt mức 39 tỷ USD.

Vitas dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 43-43,5 tỷ USD.

Sau khi trở lại làm việc, các doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ để kịp xuất khẩu cho quý mới

Sau khi trở lại làm việc, các doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ để kịp xuất khẩu cho quý mới

Nhìn lại vị trí số 2 của năm 2020

Theo một báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 8/2021, xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới vào năm 2020. Trong 10 năm qua, thị phần của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, dường như vị trí thứ hai của dệt may Việt Nam trong năm 2020 không phải do gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà do các đối thủ cạnh tranh giảm lượng xuất khẩu.

Theo số liệu được Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đăng tải, tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 giảm khoảng 20% (không tính đến kim ngạch nhập khẩu đồ bảo hộ cá nhân PPE). Từ phía cung, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Bangladesh, Ấn Độ đều giảm sâu từ 15% đến 20%, kể cả xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc (nếu bóc tách riêng, không tính đồ PPE) cũng giảm 6,6%.

Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực hàng may mặc của Bangladesh - quốc gia chiếm lĩnh vị trí thứ hai trong nhiều năm đã giảm từ 6,8% xuống còn 6,3% trong năm 2020. Với số liệu này, năm 2020 Việt Nam đã vượt qua Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc, đứng sau Trung Quốc - quốc gia có thị phần chiếm 31,6%, với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD.

Tổng cầu dệt may thế giới tăng mạnh, kịch bản nào cho xuất khẩu của Việt Nam?

Nhưng bước sang 2021, khi các quốc gia cạnh tranh đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới đang phục hồi nhanh, vị trí thứ 2 của Việt Nam được cho là sẽ rất khó có thể duy trì nếu các doanh nghiệp không mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ cũng như tận dụng tốt các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Theo số liệu thống kê của TradeMap mà Vinatex đăng tải, tổng cầu dệt may thế giới 6 tháng đầu năm 2021 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 91% của 6 tháng năm 2019 là thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.

Tổ chức này dự báo tổng cầu dệt may năm 2021 sẽ phục hồi đạt khoảng 705 tỷ USD, bằng 95% mức của năm 2019 – trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Trong đó tại thị trường EU và Hàn Quốc, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch, thậm chí tăng nhẹ 1-2%. Nhu cầu dệt may tại thị trường Nhật Bản dường như chưa có sự phục hồi rõ rệt khi kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2021 tương đương với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đưa ra 3 kịch bản về đích cho năm 2021 của ngành. Ở kịch bản tích cực nhất, Việt Nam khống chế được dịch bệnh, xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 37,5 – 38 tỷ USD.

Ở kịch bản thứ hai, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu cả năm dự kiến đạt khoảng 36 – 36,5 tỷ USD. Với kịch bản tệ nhất, tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến đầu tháng 12/2021, xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 33,5 – 34 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, Vitas đã đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp thành viên, bên cạnh triển khai đồng loạt giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nhằm giữ vững vị thế của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nguồn cung nguyên liệu trong nước để đáp ứng yêu cầu cũng như tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (FTA) mang lại.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Công Thương gần đây, đặc biệt đề cập đến vấn đề nguồn cung nguyên liệu, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng cần sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành dệt may từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn từ 2030 - 2045, kịp thời quy hoạch ngành trên quy mô toàn quốc để tháo nút thắt về nguồn cung nguyên vật liệu thiếu hụt.

Vitas cũng khuyến nghị các doanh nghiệp áp dụng kinh nghiệm từ năm trước, như khi cần thì chuyển đơn hàng giữa các cơ sở sản xuất để giữ cam kết tiến độ với đối tác, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; chủ động mua nguyên liệu để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất; tăng cường liên kết chuỗi, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường

Tin liên quan

Đọc tiếp