Kín đơn hàng truyền thống, May 10 đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng năm 2022

Dệt May Việt nAM
16:35 - 15/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí vận tải cao gấp 3 lần mức trung bình, mất cân đối lao động...Tổng công ty May 10 ngày 15/4 công bố mục tiêu doanh thu năm 2022 cao hơn 10% so với thời điểm trước dịch. 

Ngày 15/3, trên sàn HNX, Tổng công ty May 10 đã công bố Báo cáo Thường niên năm 2021, ghi nhận mức doanh thu thuần đạt hơn 3571 tỷ đồng, tăng 0,19% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận trước thuế khoảng 91,6 tỷ đồng, tăng 1,12%.

Trong năm 2021, May 10 đã đạt giá trị đầu tư thực hiện 89,82 tỷ đồng, tương đương 22,2% kế hoạch đầu tư giai đoạn 2020-2021 với một số hạng mục chính như đầu tư mở rộng sản xuất XN May Hà Quảng, XN May Hưng Hà, đầu tư giai đoạn 1 mở rộng sản xuất XN May Bỉm Sơn cùng với các thiết bị bổ sung, thay thế và tuyển thêm từ 3.000-5.000 lao động tham gia sản xuất.

Về kế hoạch năm 2022, May 10 đặt mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu của ngành dệt may về thương hiệu, chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó sản xuất và kinh doanh hàng may mặc thời trang là ngành nghề cốt lõi.

May 10 ước tính doanh thu năm 2022 đạt 3.800 tỷ đồng, cao hơn với thời điểm trước dịch hơn 10%; lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 120 tỷ đồng.

Công ty cho biết sẽ chia tỷ lệ cổ tức ở mức 15% trong năm 2022.

Tình hình thị trường năm 2022 đã có những tín hiệu khả quan hơn, May 10 cho biết toàn bộ mặt hàng truyền thống của công ty đều đã kín đơn hàng đến hết tháng 6/2022.

Sau khoảng 15 tháng liên tiếp từ 2020 qua năm 2021, công ty không có nhiều đơn đặt hàng, chỉ sử dụng 30% năng lực được sản xuất, đến năm 2022 với mặt hàng veston, công ty đã có đơn đặt hàng đến hết tháng 9/2022.

Theo báo cáo của Tổng công ty, về mặt rủi ro thị trường, May 10 đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như như mất cân đối về lao động, chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá cũng khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ.

Bối cảnh thế giới cũng đang có những chuyển biến lớn tác động đến nền kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa và với các nhà bán lẻ nhãn hiệu nước ngoài.

Bên cạnh đó, ngành dệt may luôn phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia... Vì vậy, tổng công ty May 10 cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất, phù hợp với tình hình mới.

Về tình hình xuất khẩu các đơn hàng dệt may tại Việt Nam, Bộ Công thương công bố sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp