'Kỳ vọng FDI dẫn đường là sai, quan trọng nhất vẫn là nội tại của nền kinh tế'

FDI VĨ MÔ
21:23 - 24/05/2022
'Kỳ vọng FDI dẫn đường là sai, quan trọng nhất vẫn là nội tại của nền kinh tế'
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại diện Dragon Capital, xuất khẩu và FDI đều quan trọng nhưng không phải là tiêu chí hàng đầu dẫn dắt nền kinh tế, quan trọng nhất là những yếu tố nội tại của nền kinh tế.

Bất chấp cơn gió ngược chiều, kinh tế Việt Nam nhiều khởi sắc

Tại phiên thảo luận Xu hướng dòng tiền trong khuôn khổ hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế" ngày 24/5, chia sẻ về những vấn đề tác động đến nền kinh tế Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, có cả những yếu tố trực tiếp và gián tiếp đang ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, theo ông Thành, xung đột Nga - Ukraine, kết hợp đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng cao, đặc biệt là giá dầu. Cùng với đó là những rủi ro liên quan đến việc sản xuất kinh doanh toàn cầu, dịch chuyển dòng vốn từ các nước mới nổi về Mỹ, tăng trưởng của thế giới được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm nữa, thậm chí một số khu vực có thể vừa suy thoái vừa lạm phát cao.

Với những tác động kể trên, hiện nhiều dự báo cho thấy năm 2022 Việt Nam có thể chấp nhận lạm phát tăng cao hơn, cùng với đó là áp lực tỷ giá.

Tuy nhiên theo ông Thành, lạm phát sẽ không tăng quá cao. Trong khi theo dự báo cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng,… do đó Việt Nam có thể hoàn toàn có thể kiểm soát được tỷ giá. Đồng thời có thể hạn chế việc nhập khẩu lạm phát.

"Những dự báo gần đây cho thấy đà phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục và tăng trưởng. Tôi nghĩ kinh tế vĩ mô hiện tại vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát”, ông Thành khẳng định.

Đồng quan điểm, chia sẻ trong khuôn khổ tọa đàm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital nhận định, nếu xét về tăng trưởng kinh tế trên bình diện thế giới cũng như cán cân thương mại, tỷ giá, ổn định vĩ mô thì Việt Nam là một nước rất là sáng trên thế giới hiện tại.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021.

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2022 đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%.

Rõ ràng, xuất khẩu của Việt Nam đang dần lấy lại hào quang chiến thắng trước đây. Sau khi ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ 13% so với cùng kỳ năm trước trong Quý I/2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 4 lại tăng hơn gấp đôi lên 25% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tăng trưởng diễn ra toàn diện trên mọi ngành hàng, gần 40% tăng trưởng là nhờ các đơn hàng điện tử tăng mạnh ở mức 33% so với cùng kỳ năm trước.

Khối FDI quan trọng nhưng không phải tiêu chí hàng đầu dẫn dắt nền kinh tế

Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, để hồi phục và phát triển kinh tế, trông chờ vào xuất khẩu và FDI là chưa đủ. Dòng tiền sẽ tập trung vào những doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo được nền tảng vững mạnh trong nước chứ không tập trung vào khối xuất khẩu, đại diện Dragon Capital khẳng định.

Ảnh tác giả

Cho rằng xuất khẩu để dẫn đường cho kinh tế phát triển mạnh là sai. Ngành xuất khẩu và khối FDI quan trọng nhưng không phải tiêu chí hàng đầu dẫn dắt nền kinh tế, quan trọng nhất là những yếu tố nội tại của nền kinh tế.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital

Ông Tuấn nhắc lại câu chuyện năm 2012, khi ấy xuất khẩu Việt Nam rất tốt, tăng trưởng đến 30%, trong khi đó kinh tế thế giới phục hồi nhưng kinh tế trong nước "chết", lạm phát cao, siết chặt lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường chứng khoán, bất động sản đóng băng. "Mặc dù có xuất siêu nhưng nếu kinh tế trong nước có vấn đề thì vẫn không ổn", ông nhấn mạnh.

Giải thích thêm, đại diện Dragon Capital đề cập đến 90% việc làm của Việt Nam được tạo ra từ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khối FDI chiếm 70% lượng xuất khẩu thì chỉ tạo ra lực lượng lao động và thuê mướn khoảng 4,5%.

Tương tự, khủng hoảng thế giới xảy ra năm 2009, Fed đẩy dòng tiền rất mạnh, cơ quan này có chương trình nới lỏng định lượng 1,2,3 trong 3-4 năm liên tục. Giai đoạn đó khối châu Âu cho rằng dòng tiền này sẽ vào những tài sản mang tính đầu cơ, không vào nền kinh tế. Tuy nhiên, sau đó thì dù dòng tiền không đẩy vào sản xuất nhiều nhưng lại giúp kinh tế Mỹ phục hồi, trong khi đó kinh tế châu Âu tiếp tục rơi vào suy thoái.

Theo ông Tuấn, không nên kỳ vọng 80-90% dòng tiền sẽ đi đúng mục tiêu. "Ví dụ đưa ra 100 đồng không nên quá kỳ vọng 80-90 đồng vào đúng mục tiêu. Thay vào đó chỉ nên kỳ vọng 50 đồng vào đúng mục tiêu, 50 đồng chạy vòng vòng, là tốt rồi. Không nên có một kỳ vọng tuyệt đối", ông nói thêm.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.