Kỳ vọng FED tăng lãi suất 7 lần và cái giá phải trả cho nền kinh tế

FED MỸ
06:50 - 12/02/2022
0:00 / 0:00
0:00
Công cụ đo lường FEDWatch cho thấy tỷ lệ kỳ vọng của thị trường về việc cơ quan này sẽ tăng lãi suất 0,5% vào tháng 3 tới đã nhảy vọt từ mức 24% hôm 9/2 lên tới 97% chỉ một ngày sau.

“Bạn phải quay lại năm 1982 để tìm ra con số lạm phát giá tiêu dùng (CPI) cao hơn hiện nay”, Rick Santelli, người phụ trách chuyên mục kinh tế "Squawk Box" của CNBC, nhận định sau khi báo cáo cho thấy CPI tháng 1/2022 của Mỹ đã lên tới 7,5%, cao hơn mức ước tính 7,3% mà các nhà quan sát dự báo trước đó. Đây cũng là mức tăng CPI lớn nhất kể từ tháng 2/1986, khi lạm phát tiêu dùng trong năm đạt 7,6%.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản (CPI lõi) không tính đến các hàng hóa dễ biến động giá như lương thực và năng lượng cũng ghi nhận mức tăng 6%, cao hơn so với dự kiến 5,9% và là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982.

Một bình luận viên kinh tế khác từ tờ CNN là Kate Bolduan thậm chí thẳng thắn đặt câu hỏi tới cố vấn kinh tế của Tổng thống Joe Biden, ông Jared Bernstein: “Liệu Chính phủ có đang đủ sáng suốt trước những gì hiện diễn ra?”. Bởi vì chỉ chưa đầy 1 tháng trước đó, ông Biden tuyên bố mức lạm phát CPI 7% trong tháng 12/2021 đã là mức đỉnh.

Trả lời câu hỏi này, ông Jared Bernstein khẳng định Chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang hoàn toàn kiểm soát tình hình, và rằng ông Biden có lẽ đã đưa ra nhận định có phần sai lệch về lạm phát khi biến chủng Omicron vẫn chưa cho thấy hoàn toàn sức ảnh hưởng của nó.

Kịch bản FED tăng lãi suất 0,5% trong tháng 3 và 7 lần tăng lãi suất năm 2022

Trước con số lạm phát gây hoang mang cho các thị trường và cả người tiêu dùng Mỹ, Tổng thống Biden đã lên tiếng trấn an người dân: “Hiện tại, chúng ta đang trong một tình huống mà mọi người có thể yên tâm. Tôi biết rằng giá thực phẩm đang tăng, nhưng chúng tôi đang hành động để đưa chúng giảm xuống”.

Kiểm soát lạm phát bằng cách nào? Chìa khóa không nằm trong tay ai khác ngoài Cục Dự trữ Liên bang (FED).

Tương tự chính sách nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu, FED đã duy trì lãi suất tiệm cận 0 trong suốt gần 2 năm qua để hỗ trợ nền kinh tế (Ảnh: Reuters)

Tương tự chính sách nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu, FED đã duy trì lãi suất tiệm cận 0 trong suốt gần 2 năm qua để hỗ trợ nền kinh tế (Ảnh: Reuters)

Nhưng từ tháng 11 năm ngoái, nhà kinh tế trưởng của Stifel, bà Lindsey Piegza đã cho rằng FED đã “mất kiểm soát” về lạm phát, và cơ quan này lẽ ra phải hành động sớm hơn nhiều trong việc trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng.

Báo cáo lạm phát CPI lên tới 7,5% đang làm dấy lên quan ngại của nhà đầu tư rằng lạm phát tại Mỹ vẫn chưa đạt đỉnh và FED có nguy cơ “diều hâu” hơn nữa trong việc siết chính sách tiền tệ.

Công cụ đo lường FEDWatch do CME Group theo dõi đã cho thấy kỳ vọng của thị trường về việc FED tăng lãi suất 0,5% vào cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3 tăng vọt từ mức 24% hôm 9/2 lên hơn 81% hôm 10/2 và vẫn đang liên tục biến động.

Thị trường hiện định giá 81% cơ hội FED nâng lãi suất 0,5% trong tháng 3 (Ảnh: FEDWatch)

Thị trường hiện định giá 81% cơ hội FED nâng lãi suất 0,5% trong tháng 3 (Ảnh: FEDWatch)

Các nhà kinh tế từ Goldman Sachs do Jan Hatzius dẫn đầu đưa ra một kịch bản “diều hâu” không kém, rằng FED có thể tăng lãi suất liên tục 7 lần trong năm 2022 với mức tăng 0,25% mỗi lần.

Nhóm này lý giải rằng mặc dù niềm tin thị trường về khả năng FED tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3 là rất cao do lạm phát tăng nóng, nhưng biên bản họp gần nhất và các bình luận liên quan cho thấy tỷ lệ đa số các quan chức FED phản đối việc tăng lãi suất 0,5% như vậy. “Do đó, chúng tôi nghĩ rằng FED sẽ chọn con đường dài hơn là một chuỗi 7 lần tăng lãi suất liên tiếp với mức tăng 0,25%”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm phá mốc 2% lần đầu tiên kể từ năm 2019 trong môi trường kỳ vọng lãi suất tăng như vậy.

Nhưng hơn hết, điều mà thị trường quan tâm lúc này không chỉ là FED sẽ đi theo lộ trình thắt chặt ngặt nghèo ra sao, mà là liệu những nỗ lực đó có phát huy tác dụng trong kiểm soát lạm phát hay không.

David Petrosinelli, nhà giao dịch cấp cao tại InspereX (New York) nhận định: “Tôi đồng tình rằng lạm phát có thể chưa đến đỉnh, có lẽ nó đang tiến gần hơn đến đỉnh… Và câu hỏi lúc này là liệu thị trường có tin tưởng rằng FED có đủ công cụ để kiểm soát lạm phát hay không. Các quan chức FED rõ ràng đã tự đặt mình vào một tình thế quá khó khăn”.

Cái giá phải trả có thể là tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Trong một nhận định mới đây, các nhà kinh tế từ Deutsche Bank cho rằng một chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ kéo dài của FED để kiểm soát lạm phát có thể đe dọa đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ nói riêng và đà phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung. “Phản ứng chính sách chặt chẽ hơn có thể làm tăng rủi ro giảm tốc tăng trưởng. Điều tiết nền kinh tế chưa bao giờ là dễ dàng”.

Một cuộc khảo sát tâm lý tiêu dùng do Đại học Michigan thực hiện gần đây cũng chỉ ra rằng, lạm phát tăng cao đang tác động tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng. Cụ thể, mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Mỹ hiện tại thậm chí đang thấp hơn so với thời điểm quý II/2020, khi Mỹ thực hiện các biện pháp phong tỏa khắt khe nhất để kiểm soát sự bùng phát của đại dịch.

Chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát đang vượt qua tốc độ tăng của tiền lương, khiến chi tiêu tiêu dùng xói mòn. Một khi chi tiêu tiêu dùng - một cấu phần quan trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Mỹ - giảm xuống, kịch bản giảm tốc tăng trưởng là dễ thấy.

Ở kịch bản tiêu cực hơn, nhiều ý kiến cho rằng việc FED tăng lãi suất vài điểm phần trăm thậm chí không có nhiều tác dụng kiểm soát lạm phát mà còn làm giảm thêm nhu cầu, tạo ra lạm phát đình trệ và dẫn đến hệ lụy tiêu cực hơn cho nền kinh tế.

Lý do là lạm phát hiện nay là kết quả của 6.000 tỷ USD trợ cấp mà Chính phủ Mỹ đã tung ra nền kinh tế trong bối cảnh cung sản xuất không đáp ứng được cầu, do đó công cụ tăng lãi suất của FED không có nhiều tác dụng.

Lạm phát ở Việt Nam dự báo vẫn trong tầm kiểm soát

Trong bản báo cáo vĩ mô cập nhật mới nhất vào 7/2, nhóm phân tích từ Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định: “Năm 2022, chúng tôi tin rằng lạm phát vẫn được kiểm soát ổn định dưới mức 4%, nhờ vào chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường giúp bù đắp rủi ro lạm phát do giá hàng hóa cơ bản phục hồi; và nhu cầu về văn hóa, giải trí, du lịch hồi phục chậm phần nào giúp kiềm chế lạm phát”.

Cụ thể, MAS cho rằng lạm phát tại Việt Nam năm 2022 ở mức khoảng 3,8%.

Chứng khoán VCBS thì dự báo mức lạm phát tăng khoảng 4,0-4,5% trong năm 2022, tuy nhiên khẳng định: “Với các nguồn lực hiện có, Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ công cụ và dư địa chính sách nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”.

Nhận định này dựa trên cân nhắc yếu tố giá của các nhóm hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế. Đầu tiên, nhóm lương thực thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng được dự báo không có nhiều biến động mạnh do Việt Nam với thế mạnh nông nghiệp, hoàn toàn có thể chủ động và kiểm soát nguồn cung.

Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa dịch vụ công như điện, nước, y tế vẫn nằm trong khả năng điều hành và kiểm soát của Chính phủ, dù rằng nhóm y tế có thể ghi nhận áp lực tăng giá do phục vụ cho nhu cầu chữa trị và công tác dự phòng.

Một số yếu tố có thể gây áp lực nhất định lên lạm phát năm 2022, theo VCBS là việc cầu tiêu dùng nội địa cải thiện đáng kể ở nhóm tiêu dùng không thiết yếu, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào dự báo vẫn ở mức cao trong khoảng nửa đầu năm 2022, do chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá thế giới.

Tuy nhiên, nhìn chung sự điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và thông điệp định hướng nhất quán từ Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng vẫn sẽ giúp duy trì lạm phát trong năm 2022 ở mức trong tầm kiểm soát hoặc vượt không lớn.

Trong bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa toàn cầu tăng cao được dự báo ảnh hưởng đến tình hình lạm phát trong nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có văn bản 882/VPCP-KTTH ngày 10/2 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng các kịch bản điều hành giá, tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp quản lý, chống hành vi đầu cơ trục lợi, giữ ổn định giá cả thị trường, hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát trong quý I và cả năm 2022.

Trong văn bản này, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan chủ động theo dõi sát các diễn biến giá cả thị trường và cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, có nhu cầu cao như dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, tham quan, lễ hội và mặt hàng hiện đang có xu hướng tăng giá như xăng dầu, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm...

Đồng thời tiếp tục đánh giá, sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, bảo đảm tính thống nhất, khắc phục những khó khăn trong sản xuất kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa…

Tin liên quan

Đọc tiếp