Người Mỹ chao đảo trong lạm phát cao nhất 40 năm qua

LẠM PHÁT MỸ
11:03 - 11/02/2022
Nền kinh tế Mỹ đối mặt với lạm phát trên các ngành hàng. Ảnh:
Nền kinh tế Mỹ đối mặt với lạm phát trên các ngành hàng. Ảnh:
0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát tăng vọt trong năm 2021 ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ, đang gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, xóa sổ các khoản tăng lương và củng cố quyết định của FED về việc bắt đầu tăng lãi suất vay trên toàn nền kinh tế.

Ngày 10/2, Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 đã tăng 7,5% so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất trong năm kể từ tháng 2/1982. Tính từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, lạm phát là 0,6%, bằng với tháng trước và cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế. Trong năm 2021, giá hàng hóa tăng 0,7% từ tháng 10 đến tháng 11 và 0,9% từ tháng 9 đến tháng 10.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp và nhân công, những khoản viện trợ lớn từ liên bang, lãi suất cực thấp và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ cộng lại đã khiến lạm phát tăng vọt trong năm qua. Và có rất ít dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, tiền lương đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 20 năm qua. Điều này có thể gây áp lực buộc các công ty phải tăng giá để trang trải chi phí lao động cao hơn. Các cảng và nhà kho bị quá tải, với hàng trăm công nhân tại các cảng Los Angeles và Long Beach, những cảng bận rộn nhất của nước Mỹ, đã mắc Covid-19 vào tháng trước. Do đó, nhiều sản phẩm và các bộ phận vẫn bị thiếu hụt.

Danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ tăng giá tại Mỹ. Nguồn: AP

Danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ tăng giá tại Mỹ. Nguồn: AP

Không chỉ các mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ đã tăng từ tháng 12 đến tháng 1. Chi phí cho thuê căn hộ đã tăng 0,5% trong tháng 1, tốc độ nhanh nhất trong 20 năm. Giá điện đã tăng 4,2% chỉ trong tháng 1, mức tăng mạnh nhất trong 15 năm và tăng 10,7% so với một năm trước đó. Tháng trước, giá đồ nội thất và vật dụng gia đình đã tăng 1,6%, mức tăng lớn nhất trong một tháng kể từ năm 1967.

Chi phí thực phẩm, do giá trứng, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa đắt hơn, đã tăng 0,9% trong tháng 1. Giá ô tô mới, vốn đã tăng trong thời gian đại dịch vì thiếu chip máy tính, không đổi vào tháng trước nhưng tăng 12,2% so với một năm trước. Giá ô tô mới tăng mạnh lần lượt khiến giá ô tô đã qua sử dụng tăng nhanh; ghi nhận mức tăng 1,5% trong tháng 1 và tăng chóng mặt 41% so với một năm trước.

Lạm phát bủa vây trên mọi mặt hàng

Việc giá cả tăng vọt đã khiến nhiều người Mỹ không đủ khả năng chi trả cho thực phẩm, khí đốt, tiền thuê nhà, chăm sóc trẻ em và các nhu cầu thiết yếu khác. Nói rộng hơn, lạm phát đã nổi lên như một yếu tố rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Dân chủ khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Trong số những người Mỹ đang phải vật lộn với giá thực phẩm và khí đốt đắt đỏ hơn có Courtney Luckey, 33 tuổi, người đã phải thay đổi thói quen mua sắm và nhận thêm ca làm việc tại một cửa hàng tạp hóa ở Charlotte, Bắc Carolina.

Người Mỹ phải thay đổi thói quen mua sắm do lạm phát ảnh hưởng đến tình hình tài chính của mọi người. Ảnh: AP

Người Mỹ phải thay đổi thói quen mua sắm do lạm phát ảnh hưởng đến tình hình tài chính của mọi người. Ảnh: AP

Luckey từng có thể lấp đầy một giỏ hàng tạp hóa với giá 100 USD. Bây giờ, cô cho biết 100 USD chỉ mua được một nửa giỏ hàng. Giá cà chua đã lên tới gần 5 USD/pound, khiến cô phải thốt lên: “Đây là điều mà tôi nghĩ thật nực cười”. Luckey đã chuyển sang cà chua đóng hộp và bắt đầu sử dụng phiếu giảm giá cho tại các cửa hàng để tiết kiệm.

Tất cả những khoản chi tiêu bổ sung bị ép buộc khiến Luckey phải thắt chắt các hoạt động của gia đình, chẳng hạn như chơi bowling với các thành viên. Những cuộc đi chơi đó hiện nay thường diễn ra một lần một tháng, thay vì mỗi tuần hoặc hai tuần một lần.

Trong năm qua, người Mỹ đã tiêu tốn nhiều tiền cho chi phí gas, thực phẩm, ô tô và đồ nội thất do giá cả leo thang. Vào tháng 12/2021, các nhà kinh tế tại Trường Wharton, Đại học Pennsylvania ước tính rằng một hộ gia đình trung bình phải chi nhiều hơn 3.500 USD so với năm 2020 để mua một giỏ hàng hóa và dịch vụ giống hệt nhau.

Không chỉ người dân, các doanh nghiệp cũng phải vật lộn để đối phó với chi phí vật tư và nhân công cao hơn.

Julio Ortiz, chủ sở hữu cửa hàng bán trái cây, sinh tố và cà phê ở Sacramento, bang California cho biết trung bình trong tháng 11, ông phải tăng giá khoảng 6%. Đối với một số mặt hàng, giá đã tăng 10%.

Ông nói: “Giá trái cây, rau củ, cốc và đĩa đang tăng vọt. Công ty tôi sử dụng bao bì có thể phân hủy được, nhưng phần lớn trong số hàng đó đến từ nước ngoài và bị mắc kẹt trên những con tàu chưa được dỡ hàng”.

Ngay cả khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, lạm phát lõi đã tăng 0,6% từ tháng 12 đến tháng 1 và tăng 6% so với một năm trước.

Nhiều tập đoàn lớn, trong các cuộc gọi hội nghị với các nhà đầu tư, cho biết họ dự kiến ​​tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp diễn cho đến ít nhất là nửa cuối năm nay.

Hãng Chipotle cho biết họ đã tăng giá thực đơn lên 10% để bù đắp giá thịt bò đắt đỏ, chi phí vận chuyển cũng như lương nhân viên cao hơn. Chuỗi nhà hàng cho biết họ sẽ xem xét việc tăng giá thêm nếu lạm phát tiếp tục tăng cao.

Levi Strauss & Co. đã tăng giá vào năm ngoái khoảng 7% so với mức của năm 2019 do chi phí tăng, bao gồm cả nhân công và có kế hoạch làm như vậy một lần nữa trong năm nay. Mặc dù vậy, công ty đã nâng cấp dự báo doanh thu bán hàng cho năm 2022.

Hướng đi của FED giữa bão lạm phát

Với dữ liệu lạm phát mới nhất, một số nhà kinh tế dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất cơ bản trong tháng 3 thêm 1,5 điểm phần trăm, thay vì mức tăng theo quý thông thường.

Trong khi đó, vào hai tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell đã báo hiệu rằng ngân hàng trung ương có khả năng sẽ tăng lãi suất ngắn hạn chuẩn nhiều lần trong năm nay, với lần tăng đầu tiên gần như chắc chắn sẽ được đưa ra trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 tới.

Giá cổ phiếu ghi nhận mức giảm ngay sau khi báo cáo lạm phát được FED công bố. Thậm chí, có xu hướng giảm thêm sau phát biểu của James Bullard, chủ tịch của FED chi nhánh St. Louis, rằng ông ủng hộ việc tăng mạnh toàn bộ điểm phần trăm trong lãi suất ngắn hạn chuẩn vào tháng 7. Chỉ số S&P 500 đã giảm 1,3% trong phiên giao dịch chiều 10/2. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,03%, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư sắp đối mặt với nhiều đợt tăng lãi suất của FED sắp tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.