Lạm phát đến muộn cũng... lo

LẠM PHÁT Việt nAM
07:00 - 01/12/2021
Lạm phát đến muộn cũng... lo
0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc 11 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn "đứng ngoài" hiện tượng lạm phát tăng cao trên toàn cầu với mức CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam nằm ngoài “vòng xoáy” lạm phát của thế giới

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 11 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng 10 và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giao thông là nhóm hàng hóa tăng mạnh nhất với mức tăng 3,11% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 26/10/2021, ngày 10/11/2021 và ngày 25/11/2021. Giảm mạnh nhất là nhóm giáo dục, giảm 0,92% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021 - 2022.

Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản tăng 0,82%.

CPI của Việt Nam bình quân 11 tháng đầu năm tăng 1,84% so với cùng kỳ năm ngoái

CPI của Việt Nam bình quân 11 tháng đầu năm tăng 1,84% so với cùng kỳ năm ngoái

Như vậy kết thúc 11 tháng của năm, Việt Nam vẫn chưa chịu tác động nhiều của hiện tượng lạm phát tăng cao trên toàn cầu.

Thực tế tại nhiều nền kinh tế trên thế giới, lạm phát đang tăng vọt. Chẳng hạn tại Mỹ, chỉ số CPI tháng 10 đã lên tới 6,2%, mức cao nhất trong hơn ba thập kỷ. Tại châu Âu, số liệu vừa công bố hôm 30/11 cho thấy lạm phát tháng 11 của khu vực đã lên mức kỷ lục 4,9%, mức tăng cao nhất trong vòng 25 năm và cao hơn con số lạm phát 4,1% hồi tháng 10.

CPI của Mỹ trong tháng 10 lên mức cao nhất hơn 3 thập kỷ (Nguồn: New York Post)

CPI của Mỹ trong tháng 10 lên mức cao nhất hơn 3 thập kỷ (Nguồn: New York Post)

Lạm phát trong khối EU tháng 11 cao nhất trong 3 thập kỷ (Nguồn: Bloomberg)

Lạm phát trong khối EU tháng 11 cao nhất trong 3 thập kỷ (Nguồn: Bloomberg)

Lạm phát đến muộn cũng …lo

Về hiện tượng Việt Nam nằm ngoài vòng xoáy lạm phát của thế giới cho đến nay, MEKONG ASEAN đã có 2 cuộc phỏng vấn nhanh độc lập với PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) và chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia).

MEKONG ASEAN: Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1,84% trong 11 tháng năm 2021. Ông nhận định ra sao về tình hình lạm phát năm nay và năm sau?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Đa số các dự đoán cho rằng lạm phát cả năm 2021 của Việt Nam sẽ ở mức khoảng 2,1-2,2%. Tôi cho rằng dự báo này hoàn toàn khả thi, bởi áp lực lạm phát năm 2021 là chưa lớn.

Nguyên nhân của lạm phát trong nước đến thời điểm này chủ yếu là rủi ro lạm phát nhập khẩu khi giá nguyên liệu đầu vào thế giới tăng cao (còn gọi là lạm phát chi phí đẩy) chứ chưa có lạm phát cầu kéo do lực mua không tăng, sức cầu còn yếu.

Sang năm 2022, áp lực lạm phát chắc chắn cao hơn năm 2021 do các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đã triển khai lúc bấy giờ mới gây ra tác động. Thêm vào đó, Chính phủ hiện đang xây dựng các chương trình phục hồi kinh tế xã hội, các gói kích cầu chẳng hạn như gói hỗ trợ lãi suất trong 2 năm với mức hỗ trợ ước tính khoảng 20.000 tỷ/ năm, rồi xem xét tăng nợ công, tăng bội chi ngân sách...

Ảnh tác giả

"Kiểm soát lạm phát trong năm 2022 chắc chắn khó hơn năm 2021. Nhưng dù sao các dự báo đến nay vẫn cho thấy lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát, tức trong khoảng 3,5-3,7%."

PGS.TS. Ngô Trí Long

TS. Lê Xuân Nghĩa: Lạm phát năm nay dự báo khoảng xấp xỉ 2%. Chúng ta chưa có lạm phát cầu kéo và mới chỉ chịu một ít ảnh hưởng của lạm phát chi phí đẩy. NHNN vẫn duy trì lạm phát tương đối ổn định

Còn về lạm phát trong năm sau, tôi cho rằng lạm phát sẽ bắt đầu tăng từ Tết Nguyên đán tới, và tăng trong suốt năm sau.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 10/11 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam tăng giá rất mạnh. Nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là có, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước.

Đó là về phía cung. Về phía cầu, lạm phát cầu kéo sẽ đến muộn hơn, theo sau lạm phát chi phí đẩy khi nền kinh tế phục hồi, sức cầu tăng, các gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ phát huy tác dụng.

Ảnh tác giả

"Dù sao thì NHNN hiện nay đã có kinh nghiệm quản lý hệ thống tín dụng khá bài bản, chặt chẽ. Lạm phát năm sau dù có tăng cao thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát, dưới mức 4%, đâu đó khoảng 3,5-3,7%."

TS. Lê Xuân Nghĩa

MEKONG ASEAN: Như vậy là lạm phát giữa Việt Nam với thế giới đang “lệch pha” do lạm phát tại Việt Nam đến chậm?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Lạm phát trên thế giới hiện chủ yếu là lạm phát chi phí đẩy do giá đầu vào tăng, từ giá xăng dầu nhiên liệu cho đến nguyên vật liệu sản xuất. Tuy nhiên nhiều nhận định cho rằng giá đầu vào thế giới đang dần chuyển sang xu hướng đi ngang và có khả năng đi xuống khi chuỗi cung ứng phục hồi trong năm tới.

Như vậy năm nay lạm phát thế giới tăng, lạm phát Việt Nam lại ở mức thấp. Dự báo năm sau lạm phát thế giới giảm thì lạm phát Việt Nam tăng. Điều này không có gì lạ, bởi lạm phát chịu tác động từ rất nhiều yếu tố: cung và cầu, trong và ngoài nước. Dù lạm phát thế giới có giảm nhưng các yếu tố kinh tế trong nước vẫn thúc đẩy lạm phát thì lạm phát trong nước vẫn sẽ tăng.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Lạm phát toàn cầu hiện rất cao do các nước như Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào hai loại lạm phát cùng lúc: lạm phát do chi phí đẩy khi giá nguyên nhiên vật liệu tăng và lạm phát cầu kéo do số tiền hỗ trợ từ cách đây 2 năm phát huy tác dụng. Trong khi đó, lạm phát tại Việt Nam lại thấp.

Năm sau, khi lạm phát chi phí đẩy của quốc tế dịu xuống (tất nhiên vẫn còn áp lực lạm phát cầu kéo, và tôi cho rằng lạm phát cầu kéo sẽ tồn tại trong dài hạn), thì Việt Nam lại hứng chịu cả cả hai loại lạm phát kể trên. Lo nhất là khi các nước rục rịch tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì lãi suất trong nước vẫn giảm. Đó là điều cần cân nhắc.

MEKONG ASEAN: Sự “lệch pha” lạm phát nhiều khả năng dẫn đến sự “lệch pha” về điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ. Liệu có tiềm ẩn rủi ro nào ở đây thưa ông?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Đừng lo lạm phát thế giới tăng mà trong nước lạm phát lại giảm thì rủi ro. Cũng đừng lo thế giới bắt đầu siết chính sách tiền tệ - tài khóa mà ta vẫn nới lỏng thì rủi ro. Không phải như vậy. Chính sách tài khóa, tiền tệ trước hết phải căn cứ vào yếu tố kinh tế trong nước, làm sao để phù hợp nhất với tình hình trong nước.

Cái đáng lo hơn cả là lạm phát hiện tại chưa phản ánh được sự chênh lệch giữa giá đầu vào và giá đầu ra. Đây là bài toán chắc chắn cần phải giải quyết trong thời gian tới”.

Ảnh tác giả

"Đừng lo lạm phát thế giới tăng mà trong nước lạm phát lại giảm thì rủi ro. Cũng đừng lo thế giới bắt đầu siết chính sách tiền tệ - tài khóa mà ta vẫn nới lỏng thì rủi ro."

PGS.TS. Ngô Trí Long

TS. Lê Xuân Nghĩa: Các nước hiện đã đi đến cuối con đường trong việc hỗ trợ kinh tế. Việt Nam chúng ta đi sau, nên đứng trước hai rủi ro lớn về lạm phát và tỷ giá. Thứ nhất, kích thích mạnh bây giờ thì lội ngược dòng. Các nước đã bắt đầu siết quy mô kích thích mà ta vẫn kích thích thì áp lực lạm phát rất lớn. Thứ hai, hàng loạt đồng tiền mất giá có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong tương lai của Việt Nam. Đó là những rủi ro mà theo tôi nên tính toán ngay từ bây giờ.

Ảnh tác giả

"Các nước hiện đã đi đến cuối con đường trong việc hỗ trợ kinh tế. Việt Nam chúng ta đi sau, nên đứng trước hai rủi ro lớn về lạm phát và tỷ giá."

TS. Lê Xuân Nghĩa

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp