Kênh đầu tư nào "nóng" khi áp lực lạm phát tăng cao?

KINH TẾ Việt nAM
06:30 - 25/11/2021
Kênh đầu tư nào "nóng" khi áp lực lạm phát tăng cao?
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, khi lạm phát tăng, vàng và bất động sản thường là kênh hấp dẫn nhà đầu tư, lý do chính là lòng tin của nhà đầu tư đối với những đồng tiền giấy đều bị giảm.

Kiểm soát lạm phát năm 2022 không phải đơn giản!

Hết 10 tháng đầu năm 2021, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,81% trong khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong cả năm 2021, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV từng dự báo với MEKONG ASEAN rằng lạm phát năm nay có thể ở mức 2,3-2,5% do cầu yếu, vòng quay đồng tiền còn chậm. Tương tự, VCBS dự báo lạm phát năm nay tăng dưới 3%.

Mặc dù lạm phát được kiểm soát ổn định trong năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận trong phiên họp chiều 12/11, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV rằng áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn.

Trao đổi với giới truyền thông gần đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh: “Năm 2022, điều hành kiểm soát lạm phát là rất khó, không phải đơn giản”.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, áp lực lạm phát trong năm 2022 đến từ mọi phía: cung - cầu, áp lực trong - ngoài nước. Về phía cầu, lạm phát cầu kéo dự báo sẽ diễn ra khi kinh tế phục hồi, nhu cầu vượt khả năng cung ứng khiến giá bị đẩy lên cao, vô hình chung tạo ra một mặt bằng giá mới.

Về phía cung, lạm phát chi phí đẩy do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào toàn cầu tăng cao dự kiến sẽ tiếp tục do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa thể dịu đi nhanh chóng. “Lạm phát thế giới tăng lên, với một nền kinh tế mở như Việt Nam thì ảnh hưởng lạm phát trong nước là khó tránh”, ông Phương cho biết.

Ảnh tác giả

“Cốt lõi vấn đề là phải đẩy sản xuất lên cao để khắc phục lạm phát cầu kéo. Còn lạm phát chi phí đẩy thì khó khắc phục hơn do giá nguyên vật liệu là giá cả chung của thế giới chứ không phải giá trong nước”

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Từ góc nhìn chuyên gia, theo TS. Cấn Văn Lực, bên cạnh rủi ro lạm phát cầu kéo và chi phí đẩy, độ trễ của chính sách tài khóa - tiền tệ nới lỏng trong giai đoạn 2020-2021 cũng như việc triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 sắp tới có thể sẽ là những tác nhân đưa sức ép lạm phát lên cao.

TS. Lực cho rằng lạm phát năm 2022 có thể tăng 3,5-3,7%, dù cao hơn năm 2021 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Tương tự, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định rằng trong năm 2022, lạm phát dù lên cao nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát Chính phủ, tức dưới mức 4%.

Các nhận định này phù hợp với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế rằng lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở mức khoảng 3,5-3,9%.

Năm 2022: Áp lực lạm phát lớn, kênh đầu tư nào nóng?

Áp lực lạm phát dự kiến tăng vọt trong năm tới được dự báo sẽ tác động đến dòng đầu tư của người dân.

Trao đổi với MEKONG ASEAN, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho rằng vàng và bất động sản vẫn là kênh đầu tư truyền thống và được ưa chuộng khi lạm phát tăng.

Ảnh tác giả

“Nhìn chung khi lạm phát tăng, vàng và bất động sản dự kiến sẽ là kênh hấp dẫn nhà đầu tư. Một lý do chính là lòng tin của người dân, của nhà đầu tư đối với tiền giấy, dù là USD, bảng Anh hay Yen Nhật, Nhân dân tệ đều đang giảm so với vàng”.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Tuy nhiên, ông Nghĩa dự báo lạm phát ở Việt Nam trong năm tới dù có tăng nhưng tăng không quá cao. Hơn nữa giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ giá vàng thế giới, nên mức độ hấp dẫn của vàng trong năm tới còn phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định trong năm 2022, dự báo lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt khi chuỗi cung ứng phục hồi, lạm phát trong nước dù tăng cao nhưng không vượt tầm kiểm soát, do đó xu hướng đầu tư vàng dự kiến không nóng. Còn bất động sản là kênh đầu tư chỉ dành cho người có nhiều tiền.

Ảnh tác giả

“Xu hướng đầu tư vào vàng và bất động sản dự kiến không biến động mạnh (trong năm 2022)”.

TS. Nguyễn Đức Độ

Còn trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới nhất mang tên “Tín hiệu lạc quan sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại” công bố hôm 2/11, các chuyên gia Agriseco Research nhận định chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022 khi Chính phủ dự kiến thông qua Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang nghiên cứu xây dựng.

“Thông thường sau khi Chính phủ tung ra các gói hỗ trợ, chỉ số chứng khoán tại các quốc gia trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc đều bật tăng mạnh mẽ”, báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10 của Agriseco Research cho hay.

Theo nhóm nghiên cứu này, một khi chương trình phục hồi kinh tế - xã hội được thông qua, các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp là bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, hàng không dịch vụ, công nghệ thông tin.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.