Lần đầu tiên thương mại Việt Nam - Thái Lan đạt hơn 3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm

Thương Mại Việt nAM
09:11 - 27/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Hai tháng đầu năm 2022, thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan lần đầu tiên chạm mốc 3,1 tỷ USD. Hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng giữa hai nước khi Thái Lan giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.

Trước đó trong năm 2021, Thái Lan cũng là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam trong khối ASEAN và là quốc gia đứng thứ 9 trong 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đạt hơn 12 tỷ USD.

Ngoài trao đổi hàng hóa, Thái Lan và Việt Nam cũng là 2 nước đầu tiên trong ASEAN hợp tác triển khai kết nối thanh toán song phương bán lẻ bằng công nghệ mã QR. Ngoài ra, Việt Nam và Thái Lan hiện có 13 cặp tỉnh, thành phó thiết lập quan hệ hữu nghị.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan đạt 2,1 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Thái Lan là xăng dầu; ô tô nguyên chiếc; hàng điện gia dụng và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện….

Thái Lan hiện cũng là thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ô tô từ Thái Lan trong 2 tháng đầu năm đạt 7.283 chiếc, giảm 23.6% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 2/2022, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan đạt 4.688 chiếc, giảm 9,7% về lượng. Dù vậy, lượng nhập khẩu ô tô từ Thái Lan vẫn chiếm 51% tổng lượng xe nhập khẩu trong tháng 2.

Sự sụt giảm nhập khẩu xe từ Thái Lan trong 2 tháng đầu năm xuất phát từ việc tháng 1 là thời điểm cận Tết Nguyên đán. Phía các hãng xe Việt đã đẩy mạnh nhập khẩu vào các tháng cuối năm để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường cận Tết, do vậy lượng xe nhập trong tháng 1 có sự sụt giảm so với các tháng trước đó.

Mặt khác, quy định mới của Việt Nam đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan cũng tác động đến lượng xe nhập vào. Cụ thể từ ngày 1/1/2022, ô tô nguyên chiếc của Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, điều này đồng nghĩa với yêu cầu cao hơn từ phía Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô từ thị trường Thái Lan tăng 7,2%, đạt 133,5 triệu USD. Riêng trong tháng 2/2022, Thái Lan là thị trường lớn thứ 3 xuất khẩu linh kiện & phụ tùng ô tô vào Việt Nam, đạt 73 triệu USD, sau Hàn Quốc (117 triệu USD), Trung Quốc (78 triệu USD). Đồng thời đứng trước Nhật Bản (63 triệu USD) và Ấn Độ (22 triệu USD). 5 thị trường này chiếm tới 91% tổng trị giá nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô vào Việt Nam.

Về mặt hàng xăng dầu, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Thái Lan hiện là một trong 6 thị trường xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam. Nhìn chung, nhập khẩu xăng dầu từ Thái Lan vào Việt Nam giảm về lượng nhưng tăng về trị giá. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu từ Thái Lan trong 2 tháng đầu năm đạt 173.422 tấn, tương ứng 139.3 triệu USD, giảm 38% về lượng nhưng lại tăng 34% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân của sự tăng trưởng dương này xuất phát từ việc giá xăng dầu thời gian qua liên tiếp đạt đỉnh. Cuối tháng 2/2022, giá dầu đạt mức 100 USD/thùng. Điều này đã ảnh hưởng đến giá nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam, trong đó bao gồm xăng dầu từ thị trường Thái Lan.

Dự báo trong tháng 3, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại từ Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trưởng dương do giá dầu của thế giới vẫn còn ở ngưỡng cao.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Thái Lan lần đầu tiên đạt mốc 1 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 150,7 triệu USD. Đứng thứ 2 là dầu thô, đạt 112,3 triệu USD; thứ 3 là điện thoại các loại và linh kiện, đạt 109,6 triệu USD…

Cụ thể, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 2 tháng đầu năm tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, với các thị trường thuộc khối ASEAN, Thái Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng vào khối của Việt Nam trong 2 tháng.

Trong năm 2021, Thái Lan là thị trường đứng thứ 2 nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng của Việt Nam trong khối ASEAN, đạt 543,8 triệu USD, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đầu năm 2022, Thái Lan là một trong 5 thị trường nhập khẩu dầu thô của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu dầu thô lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36% tổng lượng xuất khẩu dầu thô 2 tháng đầu năm.

Tính chung, trong 2 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu 149.594 tấn dầu thô sang thị trường Thái Lan, đạt 112,3 triệu USD; giảm 1,6% về lượng và tăng 59% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Biến động nguồn cung và giá dầu thời gian qua cũng đã tác động đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam vào thị trường Thái Lan.

Trước đó, năm 2021 Thái Lan chính thức “soán ngôi” Trung Quốc, trở thành thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, Thái Lan nhập từ Việt Nam hơn 1 triệu tấn dầu thô (tăng 41.071 tấn so với năm 2020), chiếm 31% tổng sản lượng xuất khẩu dầu thô. Trong khi đó, Trung Quốc nhập từ Việt Nam 558.662 tấn dầu thô (giảm 1,5 triệu tấn).

Về xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Thái Lan, nhìn chung các mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả sang Thái Lan đạt 18,4 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021; hạt điều đạt 7 triệu USD, giảm 4,1%; cà phê đạt 1,9 triệu USD, giảm 38%.

Riêng mặt hàng thủy sản và hạt tiêu đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hạt tiêu đạt 3,8 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 52,1 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 2/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Thái Lan đạt 22,9 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên lại giảm 21% so với tháng 1/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp