Lệnh trừng phạt Nga ít tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam

KINH TẾ THẾ GIỚI
13:49 - 06/03/2022
Lệnh trừng phạt Nga ít tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà băng và doanh nghiệp phương Tây đang bị thiệt hại lớn do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt đối với Nga. Tuy nhiên, tác động trực tiếp của việc này với nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là không lớn.

Trừng phạt Nga nhưng doanh nghiệp phương Tây cũng "hứng đòn"

Các biện pháp trừng phạt Nga bao gồm loại bỏ một số ngân hàng nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đóng băng tài sản của các công ty và giới tài phiệt Nga ở các nước phương Tây.

Đáng chú ý hơn là nguy cơ phương Tây đóng băng khối dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD của ngân hàng Trung ương Nga, mà đa số trong đó trong đó được gửi tại các nhà băng nước ngoài. Mục đích của việc này nhằm tránh việc Nga sử dụng khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ này như một “lá chắn” chống lại các biện pháp trừng phạt.

Một lượng lớn trong dự trữ ngoại hối của Nga được nắm giữ bởi nắm giữ các công cụ bằng đồng Euro và USD (Nguồn: Viện Nghiên cứu Brookings)

Một lượng lớn trong dự trữ ngoại hối của Nga được nắm giữ bởi nắm giữ các công cụ bằng đồng Euro và USD (Nguồn: Viện Nghiên cứu Brookings)

Trước những động thái này, một số cơ quan xếp hạng toàn cầu đã cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ của Nga. Nga hiện đang có khoản nợ 100 tỷ USD tại các ngân hàng nước ngoài, do đó nguy cơ Nga vỡ nợ là rủi ro đáng kể đối với các ngân hàng này. Cho đến nay, các ngân hàng châu Âu là những tổ chức tài chính chịu tác động lớn nhất từ các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, nhất là các ngân hàng ở Áo, Pháp và Italy.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng của Pháp và Ý đều đang nắm giữ khoản nợ ước tính khoảng 25 tỷ USD của Nga, con số này ở các ngân hàng Áo là 17,5 tỷ USD.

Tương tự như các đồng nghiệp ở châu Âu, các ngân hàng Mỹ cũng chịu một số ảnh hưởng do nhiều ngân hàng vẫn nắm giữ một lượng nợ của các đối tác Nga. Chẳng hạn, Citigroup nắm trong tay khoản nợ 10 tỷ USD từ các chủ thể đến từ Nga, dù con số này tương đối nhỏ so với tổng tài sản 2,3 nghìn tỷ USD của ngân hàng này.

Ở lĩnh vực ngoài ngân hàng, chiến sự ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga dự kiến sẽ gây thiệt hại đáng kể cho cả những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ở Nga. Khi đồng rúp mất giá mạnh và một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, các doanh nghiệp có lợi ích ở Nga sẽ gặp thách thức lớn để được hoàn trả những khoản nợ từ các thực thể Nga.

Ảnh tác giả

“Nhìn chung, cuộc chiến có nguy cơ tác động rất lớn với nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch và cả với các thị trường vốn đã biến động. Nhiều tác động khác có thể trở nên rõ ràng trong những tuần tiếp theo… Hệ thống tài chính toàn cầu sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao xem liệu tình hình sẽ diễn biến như thế nào”.

Ông Nasir Aminu, chuyên gia kinh tế tài chính, Đại học Cardiff Metropolitan

Việc Nga bị cấm vận ít tác động trực tiếp tới Việt Nam

Liên quan đến các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nhóm nghiên cứu VNDirect cho rằng biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư của Nga vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, song nhìn chung quy mô tác động đến nền kinh tế không lớn.

Thống kê của VNDirect cho thấy, phần lớn các dự án năng lượng mà Nga đầu tư tại VN vẫn đang chậm tiến độ, chẳng hạn dự án Nhiệt điện Long Phú 1 với tổng công suất 1.200 MW do Power Machines (Nga) là tổng thầu hiện đang chậm kế hoạch 2 năm do vướng lệnh cấm vận. Hay dự án điện khí Quảng Trị với tổng công suất 340 MW có Gazprom (Nga) tham gia đầu tư cũng đang chậm tiến độ 2 năm so với cam kết ban đầu.

Các dự án này đa số đều có quy mô nhỏ và đang dừng lại ở giai đoạn thăm dò, tìm kiếm, chưa được triển khai tiếp nên việc ngưng trệ khai thác không ảnh hưởng nhiều đến quy mô toàn ngành, theo VNDirect.

Về các hệ lụy tiềm năng khác với kinh tế Việt Nam từ chiến sự ở Ukraine, chuyên gia kinh tế - TS. Phạm Sỹ Thành trong một tọa đàm gần đây nhấn mạnh 2 tác động lớn.

Đầu tiên là nguy cơ các ngân hàng trung ương lớn tiến hành tăng lãi suất mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát, từ đó tạo ra sự co hẹp nhu cầu rất lớn với xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chưa thể phục hồi hoàn toàn, TS. Thành cho rằng việc thiếu đi động lực từ bên ngoài sẽ là một cú sốc tương đối lớn.

Thứ hai là tác động đến tình hình lạm phát và chính sách tiền tệ trong nước khi giá năng lượng, nhiên liệu thế giới tăng cao gây áp lực nhập khẩu lạm phát.

Ảnh tác giả

“Trong vòng 12 tháng qua, giá năng lượng, nhiên liệu và xăng dầu đã tăng tới hơn 40%. Giá các mặt hàng này tiếp tục tăng sẽ tác động rất lớn đến các ngành giao thông vận tải, du lịch cũng như chỉ số giá tiêu dùng CPI”.

TS. Phạm Sỹ Thành

TS. Thành cũng chỉ ra “cái may với Việt Nam” là thu ngân sách dự kiến tăng do giá bán dầu mỏ cao hơn nhiều so với trước đây, từ đó cải thiện hoạt động thu ngân sách trong nước.

Tương tự nhận định này, ông Nguyễn Thanh Lâm, trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân của Maybank Investment Bank cũng cho rằng, tác động của chiến sự ở Ukraine đến nền kinh tế Việt Nam chủ yếu nằm ở vấn đề lạm phát khi giá năng lượng, kim loại và ngũ cốc trên thế giới tăng lên.

Hiện Nga cung cấp khoảng 11% lượng xuất khẩu dầu, 8% lượng khí LNG, 18% than điện, 14% nhôm, 10% ngũ cốc, 8% thép và 5% đồng cho các thị trường toàn cầu.

Nga là nhà cung cấp quan trọng nhiều hàng hóa cơ bản của thế giới (Ảnh: Maybank)

Nga là nhà cung cấp quan trọng nhiều hàng hóa cơ bản của thế giới (Ảnh: Maybank)

Tuy nhiên theo ông Lâm, năm 2021, thương mại song phương Việt Nam - Nga chỉ đạt khoảng hơn 5 tỷ USD, bằng chưa đầy 1% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Ngoài ra, khách du lịch từ Nga đến Việt Nam năm 2019 (thời điểm trước đại dịch) cũng chỉ khoảng 700 nghìn lượt, chiếm khoảng 4% tổng du khách quốc tế đến Việt Nam.

Mặc dù Nga có đầu tư đáng kể vào lĩnh vực dầu khí và khí đốt trong nước, tuy nhiên đóng góp từ thu dầu mỏ vào ngân sách Nhà nước của nước ta trong những năm gần đây đã giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 3% so với mức khoảng 25% vào đầu những năm 2000.

Do đó, nhóm nghiên cứu Maybank Investment Bank cho rằng chiến sự ở Ukraine không có nhiều tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, mà tác động gián tiếp đáng kể nhất là vấn đề làm tăng lạm phát.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.