Các ngân hàng quốc tế gặp khó khi rời thị trường Nga

NGÂN HÀNG NGA
07:07 - 06/03/2022
Citibank chi nhánh Moscow, Nga. Ảnh: Reuters
Citibank chi nhánh Moscow, Nga. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Các ngân hàng toàn cầu đang phải đối mặt với câu hỏi liệu có nên rút khỏi Nga hay không, khi gặp phải thách thức từ sự phức tạp và tốn kém của việc đóng cửa các doanh nghiệp của mình tại quốc gia này.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay của Phương Tây với Nga trong hơn một tuần qua và sự đáp trả từ phía Moscow đã đặt ra câu hỏi liệu các ngân hàng quốc tế còn có thể trụ được bao lâu nữa ở Nga. Ngoài vấn đề tài chính, rủi ro về danh tiếng nếu các doanh nghiệp lựa chọn tiếp tục kinh doanh ở Nga cũng là vấn đề họ phải cân nhắc cẩn thận.

Hiện các ngân hàng chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về việc rời khỏi Nga, nhưng có ít nhất một ngân hàng quốc tế thành lập một nhóm nội bộ và làm việc cùng các luật sư tư vấn cũng như các chuyên gia. Động thái này nhằm đánh giá xem liệu công ty có thể rời đi hay không trước khi công bố rộng rãi.

Hai trong số các nguồn tin thậm chí còn khẳng định Ngân hàng Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo sẽ là ngân hàng quốc tế đầu tiên rút khỏi Nga – biến nó thành ngân hàng châu Âu đầu tiên thực hiện động thái này.

Ngoài ngân hàng, các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Anh là BP và Shell vào tuần trước cũng cho biết sẽ rời bỏ Nga. BP đang nỗ lực từ bỏ số cổ phần trong tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga là Rosneft, dẫn tới khoản phí lên đến 25 tỷ USD.

Tuy nhiên so với các tập đoàn năng lượng, các ngân hàng sẽ gặp nhiều vấn đề phức tạp hơn trong việc tự rút khỏi thị trường Nga. Dan Awrey, giáo sư tại Trường Luật Cornell, nhận định, đối với các công ty dầu mỏ, việc rời bỏ các cơ sở vật chất của mình tại Nga cũng dễ dàng ngang với việc để lại chìa khóa và rời đi. Việc đơn phương rời bỏ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính thì ngược lại không được đơn giản như vậy.

Trong các trường hợp thông thường, các ngân hàng sẽ không thể rời khỏi một quốc gia nếu không có sự đồng ý của các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương của quốc gia đó. Ngoài yếu tố trên, ngân hàng muốn rời đi cũng cần phải tìm được một người mua sẵn sàng kiểm soát các khoản vay và các cam kết khác của họ. Ngân hàng không thể đơn phương từ bỏ các cam kết cho vay và các yêu cầu tài chính khác.

Thêm vào đó, một số yêu cầu của Nga cũng có thể khiến tình hình còn phức tạp hơn. Ngày 1/3, Điện Kremlin đã cấm cho vay và tín dụng bằng đồng rub đối với những người thuộc các quốc gia có hành vi trừng phạt không thân thiện với Nga. Kể từ khi mệnh lệnh này được ban hành, các ngân hàng sẽ phải tự tìm ra các tác động của chúng.

Họ cũng sẽ phải tìm hiểu xem điều này có đồng nghĩa với việc các công ty nước ngoài từ những quốc gia đã trừng phạt Moscow có bị hạn chế tiếp cận các cơ sở tín dụng bằng đồng rub hay không. Nếu điều này trở thành sự thực, các công ty nước ngoài sẽ không thể hoạt động trong nước Nga và các ngân hàng cũng sẽ chịu số phận tương tự như vậy.

Ngân hàng Raiffeisen Bank International tại Nga. Ảnh: Tadviser
Ngân hàng Raiffeisen Bank International tại Nga. Ảnh: Tadviser

Trong khi đó, các ngân hàng quốc tế cũng đang cố gắng tìm hiểu xem các lệnh trừng phạt từ Mỹ lên Ngân hàng Trung ương Nga sẽ có tác động thế nào tới các cơ sở hạ tầng liên quan và sự lưu thông của thị trường tài chính. Các ngân hàng này cũng đang bày tỏ thái độ thận trọng trong việc xác định liên hệ với ngân hàng trung ương và đồng thời cũng đang thể hiện sự chần chừ trong việc giao dịch bằng đồng rub.

Các biện pháp trừng phạt cũng đã chấm dứt bất cứ hy vọng nào về việc các ngân hàng quốc tế bán các tài sản tại Nga. Điều này sẽ khiến lựa chọn duy nhất còn lại là thu hẹp hoặc xóa sổ tài sản và sẽ để lại kết quả là thiệt hại tài chính trực diện.

Nếu không thực hiện các cam kết, các ngân hàng còn có khả năng sẽ bị các khách hàng ở Nga kiện. Vì vậy, một giải pháp được đưa ra là các ngân hàng duy trì hoạt động trụ cột của mình tại Nga thay vì rút khỏi hoàn toàn. Điều này sẽ tránh được sự phức tạp khi phải xin lại giấy phép hoạt động và xây dựng lại doanh nghiệp từ đầu trong tương lai.

Khi được liên hệ đưa ra ý kiến, các ngân hàng của Mỹ hoạt động tại Nga từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, có nhiều ngân hàng Mỹ đã cắt giảm tỷ lệ tiếp xúc tài sản với Nga do các lệnh trừng phạt được áp dụng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase & Co, Morgan Stanley và Citigroup vẫn tiếp tục thực hiện các giao dịch tại Nga, đồng thời giữ nhân viên ở hoạt động tại nước này.

Citigroup, ngân hàng Mỹ hoạt động tích cực nhất tại Nga đã bắt đầu trải qua những khó khăn trong việc rời thị trường này. Năm ngoái, ngân hàng này thông báo sẽ bán mảng kinh doanh tiêu dùng của mình tại Nga như một phần của quá trình tái cấu trúc quy mô lớn. Người mua duy nhất được nêu tên công khai là ngân hàng nhà nước Nga VTB, vốn là đối tượng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Hiện Citigroup có thể giao dịch với các người mua khác từ Nga hay không vẫn còn là một câu hỏi được bỏ ngỏ. Nguyên dân là do những người mua nước ngoài không muốn mua các tài sản của Nga do các lệnh trừng phạt.

Giám đốc điều hành Citigroup Jane Fraser cho biết rằng vẫn còn "quá sớm” để đánh giá liệu một thương vụ mua bán có thể tiến hành hay không. Trong khi đó, Giám đốc Tài chính Mark Mason của tập đoàn lại cho biết ngân hàng có thể sẽ phải xóa gần một nửa trong số 9,8 tỷ USD tài sản có tiếp xúc với Nga.

Đọc tiếp