Loạt doanh nghiệp lãi đột biến nghìn tỷ trong quý II

Kinh Bắc Viettel Global
16:47 - 04/08/2022
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bức tranh báo cáo tài chính quý II/2022, nhiều doanh nghiệp báo lãi đột biến hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng không phải công ty nào cũng mang về lợi nhuận khủng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Tổng công ty Sông Đà thoát lỗ nhờ thoái vốn

Tổng công ty Sông Đà (mã SJG) ghi nhận doanh thu quý II đạt 1.560 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại tăng hơn 10 lần, đạt 1.028 tỷ đồng. Nếu xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi thì công ty lỗ kỷ lục 1.838 tỷ đồng (so với cùng kỳ lãi 38,12 tỷ đồng), do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Nhưng nhờ doanh thu tài chính tăng 40 lần lên 3.128 tỷ đồng, Sông Đà không những thoát lỗ mà còn mang về lợi nhuận khủng như trên.

Sông Đà không thuyết minh chi tiết cơ cấu doanh thu tài chính đột biến mà chỉ ghi lý do biến động do ghi nhận thu nhập từ thoái vốn khoản đầu tư. Tuy nhiên trong quý 2 vừa qua, công ty đã thoái vốn thành công tại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS). Cụ thể, SJG tổ chức đấu giá toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu SJS để giảm sở hữu từ 36,65% về còn 0% vốn điều lệ và chính thức không sở hữu tại công ty.

Ước tính Sông Đà đã thu về hơn 4.200 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sông Đà đạt doanh thu 2.443 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.304 tỷ đồng. Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 385 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện được 38% mục tiêu doanh thu nhưng đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận.

Kinh Bắc thoát lỗ nhờ đánh giá lại tài sản

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) cũng công bố lãi hàng nghìn tỷ đồng trong quý 2/2022. Tuy nhiên, phần lợi nhuận đột biến này cũng không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể, doanh thu thuần của Kinh Bắc trong quý 2 đạt 395 tỷ đồng, giảm 47% so với với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 34,3% còn 197 tỷ đồng nhưng biên lãi gộp cũng giảm từ 59,8% còn 50%. Doanh thu tài chính của công ty đạt hơn 90 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước nhờ lãi tiền gửi và cho vay tăng.

Doanh thu “hẻo” nhưng Kinh Bắc lại báo lãi sau thuế 1.933 tỷ đồng, gấp gần 25 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.893 tỷ đồng, gấp 46 lần quý 2/2021 và ghi nhận mức kỷ lục. Nguyên nhân là do công ty ghi nhận khoản thu nhập khác gần 1.913 tỷ đồng.

Theo thuyết minh của Kinh Bắc, khoản thu nhập khác là “chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng”. Đây là doanh nghiệp có liên quan đến ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc (ông Tâm từng là Tổng Giám đốc Sài Gòn Đà Nẵng từ năm 2005, sau đó giữ chức Chủ tịch HĐQT tại doanh nghiệp này đến giữa năm 2014).

Hiện nay, Sài Gòn Đà Nẵng được giới thiệu là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group - SGI) - doanh nghiệp do ông Tâm làm Chủ tịch HĐQT từ năm 2006. Saigon Invest Group gồm nhóm những công ty hoạt động ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, du lịch, khách sạn, resort,... và điều hành 18 khu công nghiệp vào năm 2008. Một số công ty thuộc nhóm này như Kinh Bắc, Saigontel... hiện cũng do ông Tâm làm Chủ tịch.

Giao dịch giữa Kinh Bắc và Sài Gòn Đà Nẵng được thực hiện vào sát ngày chốt sổ kế toán quý 2, khi Kinh Bắc thông qua kế hoạch mua 5,7 triệu cổ phiếu của Sài Gòn Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 19,5% lên 48% vốn điều lệ. Sau giao dịch, Kinh Bắc sẽ chuyển công ty Sài Gòn Đà Nẵng thành công ty liên kết, đồng thời được phép đánh giá lại tài sản đầu tư. Tại thời điểm 31/3, Kinh Bắc ghi nhận đầu tư 39 tỷ đồng vào đơn vị này.

Trong quý 1/2022, Kinh Bắc cũng ghi nhận khoản thu nhập khác đột biến gần 500 tỷ, được thuyết minh là chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua (CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Nhơn Hội) và giá phí hợp nhất kinh doanh. Nhờ giao dịch này mà Kinh Bắc lãi ròng gần 481 tỷ trong quý đầu năm.

Nhờ việc đánh giá lại tài sản nên sau 6 tháng đầu năm, dù doanh thu giảm 60,5% so với cùng kỳ năm trước (đạt 1.087 tỷ đồng) nhưng Kinh Bắc đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.457 tỷ đồng, tăng 2,1 lần.

Viettel Global không còn khoản lỗ lớn từ công ty liên doanh, liên kết

Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã chứng khoán VGI) ghi nhận doanh thu thuần trong quý 2 đạt 5.850 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi trước thuế 1.516 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 39% lên 1.113 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, Viettel Global đạt 11.287 tỷ đồng doanh thu, tăng 16,9% so với nửa đầu năm ngoái; lãi trước thuế 3.159 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.517 tỷ đồng, gấp 8,7 lần so với số lãi 290 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.

Mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí, lệ phí khác đều tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng Viettel Global vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đột biến như trên chủ yếu là do các công ty liên doanh liên kết đã làm ăn có lãi, mang về khoản lãi 212 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 1.800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, diễn biến các đồng ngoại tệ biến đổi liên tục khiến cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến ngoại tệ ảnh hưởng lớn đến tỷ giá. Trong quý 2, doanh thu tài chính của VGI tăng 260 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó lãi chênh lệch tỷ giá đạt 907 tỷ đồng (tăng 230 tỷ đồng so với cùng kỳ), còn lại là tăng thu lãi tiền gửi.

Tại thời điểm cuối quý 2/2022, Viettel Global đang có hơn 9.100 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, tăng 2.700 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng tiền gửi có kỳ hạn gần 9.700 tỷ đồng. Các khoản phải thu khác lên đến 5.076 tỷ đồng (tăng hơn 800 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó có khoản phải thu lãi cho vay hơn 2.100 tỷ đồng và thu lãi chậm trả gần 1.600 tỷ đồng.

Lọc hoá dầu Bình Sơn vươn lên top đầu lợi nhuận

Ngoài 3 cái tên có lãi đột biến nhờ nhiều lý do khác nói trên, nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận lãi nghìn tỷ, tăng trưởng ba chữ số trong quý 2/2022. Cụ thể, có 39 doanh nghiệp lãi trước thuế trên 1.000 tỷ đồng, nhiều hơn cùng kỳ 6 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp có lãi trên 2.000 tỷ đồng là 17 doanh nghiệp, nhiều hơn cùng kỳ 3 doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng cao nhất trong top là Lọc hoá dầu Bình Sơn (+498%), PV Gas (+118%), VietinBank (+107%), ACV (+655%) và Hoá chất Đức Giang (+461%). Những doanh nghiệp này đều tăng trưởng lợi nhuận nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi, trước sự ủng hộ của điều kiện khách quan.

Đáng chú ý, Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã BSR) là đơn vị duy nhất có mức lãi trên 10.000 tỷ đồng. Cụ thể trong quý 2, BSR ghi nhận 52.391 tỷ đồng doanh thu thuần. Đây là con số cao nhất trong lịch sử của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán ghi nhận mức 41.705 tỷ đồng, tăng 60%. Điều này khiến biên lãi gộp của BSR lần đầu tiên cán mốc 20%. Kết quả lợi nhuận trước thuế của BSR trong quý 2 đạt 10.466 tỷ đồng, gấp 5,98 lần cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh khả quan của Bình Sơn được cộng hưởng từ việc tăng sản lượng và giá thành phẩm tăng mạnh. Từ quý 1/2022, do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Bình Sơn gia tăng công suất lên 105%. Đồng thời trong những tháng đầu năm, giá dầu tiếp tục tăng cao và dự báo neo cao trong năm 2022 giúp BSR gia tăng biên lợi nhuận do giá đầu ra tăng nhanh hơn giá đầu vào.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.