Luật HTX sửa đổi: Cần quy định chặt về thành viên để tránh sai phạm như tại Saigon Co.op

Hợp tác xã QUỐC HỘI
23:43 - 01/11/2022
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV đang cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi. Ảnh minh họa
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV đang cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Bất cập của Luật Hợp tác xã 2012 đó là thành viên vốn ít cũng như vốn nhiều, chỉ cần số đông biểu quyết là giành ưu thế. Vì vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị trong luật sửa đổi lần này cần quy định chặt chẽ hơn. 

Chiều 1/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi.

Thảo luận tại tổ 14, Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho biết, trước đây mô hình HTX đã thành công và đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên sau này, mô hình HTX ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi là cần thiết.

Đại biểu cho rằng, mô hình theo dự thảo Luật HTX sửa đổi rất hay, có HTX siêu nhỏ, nhỏ, vừa rồi tới liên đoàn, liên minh, tổ hợp tác. Không chỉ cá nhân mà cả tổ chức cũng có thể tham gia. Vai trò và mô hình HTX như trước đây được nâng cấp lên nhưng cũng chỉ là một thành tố trong luật. Vì vậy, đại biểu cho rằng việc đổi tên thành Luật các tổ chức kinh tế hợp tác là phù hợp.

Ưu điểm nổi bật của dự án Luật HTX sửa đổi là các cá nhân có thể thành lập HTX, các tổ chức có thể phối hợp tạo thành các chuỗi sản xuất, hợp tác theo từng lĩnh vực, chuyên môn. Đặc biệt là quy định doanh thu nội bộ trong nhóm liên kết không phát sinh thuế chồng thuế, khả năng chuyển giá không còn, giúp giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đại biểu Huỳnh Thành Chung

Góp ý nội dung luật, đại biểu đề cập đến vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thuộc các tổ chức hợp tác trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Theo ông Chung, hiện nay, người nông dân có thể sản xuất sản phẩm nông nghiệp, bán cho thương lái, không phải chịu thuế vì tự sản tự tiêu. Nếu bây giờ cùng một sản phẩm ấy vào hợp tác xã, trở thành tổ chức, sẽ xuất hiện các hoá đơn, chi phí hạch toán, người nông dân sẽ vì e ngại mà không tham gia. Vì vậy, đại biểu đề nghị thêm quy định trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ có chính sách miễn thuế 10-20 năm; điều này cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang (Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai) đồng tình về việc đổi tên gọi thành Luật các tổ chức kinh tế hợp tác bởi các yếu tố nội hàm phù hợp hơn.

Qua việc rút kinh nghiệm vụ vi phạm xảy ra tại Saigon Co.op, đại biểu đề cập đến quy định về thành viên các HTX. Theo ông Quang, đặc trưng của Luật HTX 2012 là đối nhân chứ không phải đối vốn, điều này bộc lộ bất cập, đó là thành viên vốn ít cũng như vốn nhiều.

Như trong vụ án Saigon Co.op, các đối tượng đã nghiên cứu rất kỹ luật để lợi dụng kẽ hở, đưa tổ chức bên ngoài vào góp vốn, sau đó dùng số đông biểu quyết. Ý đồ là muốn thâu tóm và thay đổi mô hình hoạt động.

Mặc dù không chuyển đổi sở hữu nhưng sau khi chiếm quyền điều khiển, họ chuyển qua công ty cổ phần. Số tiền của họ vẫn y nguyên mà vẫn sở hữu được một thương hiệu giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang thảo luận về Luật Hợp tác xã sửa đổi tại tổ 14.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang thảo luận về Luật Hợp tác xã sửa đổi tại tổ 14.

Do vậy, đại biểu đề nghị phải có quy định chặt chẽ về thành viên HTX, ví dụ phải 2 năm tham gia HTX thì mới được quyền biểu quyết. Thực tế có tình trạng mới tham gia đã nắm quyền chủ nhiệm HTX vì góp vốn nhiều. HTX không hoạt động gì, được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, được giao đất nhưng cuối cùng lấy đất đi cho thuê. Nếu luật quy định không chặt sẽ tạo kẽ hở cho những kẻ trục lợi.

Ngoài ra, theo đại biểu, yêu cầu về quản lý Nhà nước cũng phải rõ ràng hơn. Ví dụ các HTX chệch hướng, làm việc không đúng tôn chỉ mục đích thì cơ quan quản lý Nhà nước phải xử lý thế nào.

Đại biểu Nguyễn Phú Cường (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) đề cập đến quy định về tài sản chung không chia và quỹ chung không chia. Đại biểu nhất trí với quy định tài sản chung không chia vì Nhà nước đã ưu ái rất nhiều cho các HTX, cấp đất sử dụng.

Còn quỹ chung không chia, hàng năm các thành viên trích lợi nhuận 5% đối với HTX, 10%, 15% đối với liên đoàn. Theo đại biểu, việc trích lợi nhuận này có phần "tội" cho các thành viên.

Còn về quỹ phát triển HTX, trong đó có một phần ngân sách nhưng ông Cường đề nghị cần quy định rõ ngân sách hỗ trợ trong trường hợp nào.

Đại biểu Nguyễn Phú Cường.

Đại biểu Nguyễn Phú Cường.

Ngoài ra, ông Cường cũng nêu vấn đề quản lý Nhà nước đối với HTX. Theo quy định thì cơ quan quản lý là Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT). Ở cấp huyện, phòng tài chính kế hoạch cấp giấy đăng ký chứng nhận kinh doanh cho các HTX.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nếu vẫn giao hết quyền quản lý như luật cũ là không ổn, vì Sở KHĐT và phòng tài chính kế hoạch không thể dang tay ra quản lý mọi vấn đề của HTX được.

Trong khi đó, một đơn vị có chức năng phù hợp, đó là liên minh HTX, tỉnh nào cũng có. Theo đại biểu, đã có sẵn bộ máy, giao thêm nhiệm vụ để quản lý thì sẽ rất hiệu quả. Vì vậy, ông Cường cho rằng dự án luật cần nghiên cứu thiết kế để tăng thêm nhiệm vụ và thẩm quyền của liên minh HTX, nhất là của Trung ương, của tỉnh với việc tham gia quản lý, đào tạo, kiểm toán...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.