Mắt xích cung ứng toàn cầu gặp khó với 'Zero Covid' của Trung Quốc

Cung ứng TRUNG QUỐC
08:41 - 18/03/2022
Cảng Yantian ở Thâm Quyến, Trung Quốc từng đối mặt với tình trạng phong tỏa kéo dài khi số ca mắc Covi-19 gia tăng. Ảnh: AFP
Cảng Yantian ở Thâm Quyến, Trung Quốc từng đối mặt với tình trạng phong tỏa kéo dài khi số ca mắc Covi-19 gia tăng. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc đang đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, việc quốc gia này vẫn thực hiện chống dịch nghiêm ngặt như phong tỏa thành phố, đóng cửa nhà máy khiến chuỗi cung ứng toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng.

Trong những ngày này, ngành cung ứng tại Trung Quốc đang chứng kiến những dòng xe tắc nghẽn vì đợi xét nghiệm Covid-19, giá container tăng cao do các tàu phải chờ đợi trong nhiều giờ tại cảng, trong khi hàng hóa chất đống trong kho. Các biện pháp chống dịch cứng rắn tại quốc gia đóng góp 1/3 hoạt động sản xuất trên thế giới, đang gây ra tình trạng gián đoạn hàng loạt mặt hàng thành phẩm như ôtô của Toyota, Volkswagen và iPhone của Apple.

Tiếp tục chống dịch “không khoan nhượng”

Tính đến ngày 15/3, số ca mắc mới tại Trung Quốc đã tăng lên 5.000 ca. Mặc dù con số này tương đối nhỏ so với nhiều nước trên thế giới hiện nay, giới chức Trung Quốc vẫn quyết định chống dịch "Zero Covid"- “không khoan nhượng” khi yêu cầu phong tỏa hàng loạt các thành phố công nghiệp như Thâm Quyến hay Trường Xuân.

Danh sách các tỉnh tại Trung Quốc tiếp tục bị phong tỏa sẽ ngày càng dài, khi chủng Omicron đang lây lan rộng.

Người dân xếp hàng để được xét nghiệm tầm soát ở Cát Lâm, Trung Quốc hôm 15/3. Cát Lâm là một trong hơn năm thành phố công nghiệp lớn đã bị phong tỏa. Ảnh: AFP

Người dân xếp hàng để được xét nghiệm tầm soát ở Cát Lâm, Trung Quốc hôm 15/3. Cát Lâm là một trong hơn năm thành phố công nghiệp lớn đã bị phong tỏa. Ảnh: AFP

“Gần đây, các ổ dịch cục bộ bắt đầu bùng phát ở nhiều nơi trên cả nước, chủ yếu là biến chủng Omicron. Chúng lây lan nhanh chóng và rất khó truy vết. Công tác phòng chống ngày càng khó khăn khi tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp”, Mi Feng, phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), cho biết.

Tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, là nơi tập trung nhiều ca mắc Covid-19 nhất gần đây, cũng là khu vực có nhiều nhà máy sản xuất ô tô và phụ tùng xe hơi. Zhang Li, Phó giám đốc cơ quan y tế tỉnh, cho biết người dân và các quan chức sẽ phải “khẩn trương hành động để vượt qua khó khăn”. “Công tác chống dịch của chúng tôi đang phải chạy đua với thời gian”, ông nói.

Trong khi đó, trên thị trường toàn cầu, giá dầu tại phiên giao dịch hôm 14/3 đã sụt giảm 5% so với tuần trước, do lo ngại tình hình suy thoái kinh tế tại Trung Quốc.

Đối với một số nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, sự bùng phát dịch Covid-19 thậm chí không đáng lo bằng các biệp pháp khó lường của chính phủ. Julian MacCormac, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc, nhận xét: “Rủi ro kinh doanh ở Trung Quốc hiện cao hơn bất cứ thời điểm nào kể từ cuối mùa xuân năm 2020”.

Các lệnh phong tỏa đã đình chỉ hoạt động của các nhà máy điện tử ở miền Nam và nhiều công ty công nghiệp ở miền trung Trung Quốc. Các thành phố gần Thượng Hải đã đóng cửa ngõ ra vào đường cao tốc và yêu cầu tài xế phải xuất trình phiếu xét nghiệm PCR, gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài hàng cây số.

Chi phí vận tải bị “đội giá”

Chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng cao. Vấn đề này trong năm ngoái đã trở nên nghiêm trọng hơn, góp phần gây ra lạm phát ở Mỹ.

Hôm 11/3, trước khi các hạn chế Covid-19 mới nhất có hiệu lực, chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ châu Á đến Bờ Tây nước Mỹ đã nhích lên 16.353 USD, từ mức 16.155 USD/container vào một tuần trước đó. Theo dữ liệu từ nền tảng theo dõi hoạt động vận chuyển Freightos, giá cước vận tải đã tăng gần gấp 3 lần so với một năm trước và tăng gấp 12 lần so với 2 năm trước.

Chi phí vận tải ngày càng tăng do các chuyến hàng tại cảng ở Trung Quốc bị trì hoãn. Ảnh: AP

Chi phí vận tải ngày càng tăng do các chuyến hàng tại cảng ở Trung Quốc bị trì hoãn. Ảnh: AP

Các cảng biển ở Trung Quốc hiện yêu cầu người lao động sống và làm việc ngay tại chỗ trong khoảng 2 tháng để tránh lây nhiễm Covid-19.

Theo Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành công ty phân tích chuỗi cung ứng Everstream Analytics, tình trạng gián đoạn lưu thông của phương tiện vận tải khiến thời gian xuất phát của tàu hàng bị trì hoãn ít nhất 12 giờ và có thể sẽ tăng lên thành 2 tuần.

“Ngay cả những doanh nghiệp chuẩn bị kỹ càng nhất cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp mới này ở Trung Quốc. Tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng thường bị hạn chế”, bà nhận xét.

Hoạt động vận tải hàng không cũng đối mặt với những vấn đề phức tạp mới. Hôm 15/3, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc thông báo bắt đầu từ đầu tuần sau đến ngày 1/5, các chuyến bay quốc tế đến sân bay Phố Đông của Thượng Hải sẽ phải chuyển tuyến đến những thành phố khác. Chính quyền thành phố cũng cung cấp quyền lợi cách ly miễn phí cho người dân.

Hoạt động sản xuất ngưng trệ

Trung Quốc thông báo tiếp tục trì hoãn ngành xuất khẩu của nước này. Có ít nhất 5 thành phố công xưởng lớn đã bị phong tỏa hoàn toàn vì dịch Covid-19. Trong đó gồm Đông Quan, Thâm Quyến - nơi có nhà máy sản xuất iPhone và các sản phẩm từ Apple của Foxconn; Trường Xuân, Cát Lâm hay Lan Phường. Một số thành phố nhỏ hơn như Tuy Phân Hà, Mãn Châu Lý sát biên giới Trung - Nga cũng rơi vào cảnh đóng cửa.

Tại Đông Quan, thành phố công nghiệp có 7,5 triệu dân, một số chủ doanh nghiệp cho biết nhà máy vẫn được phép hoạt động nếu đảm bảo công nhân được sống trong ký túc xá và không đi ra bên ngoài.

Theo Deng Shiwen, chủ một nhà máy sản xuất vật liệu đóng gói nhỏ ở Đông Quan, nhân viên của ông vẫn sinh hoạt và làm việc trong khu xưởng, nhưng không thể giao hàng cho khách.

Các thành phố khác, đặc biệt là Thượng Hải, đã không tuyên bố đóng cửa toàn thành phố nhưng đã đóng cửa tạm thời nhiều khu phố, trung tâm mua sắm và khu công nghiệp. Điều này khiến các công ty phải khuyến khích nhân viên nên làm việc tại nhà càng nhiều càng tốt.

Các cửa hàng ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc đều được yêu cầu đóng cửa chống dịch, ngày 14/3. Ảnh: AP

Các cửa hàng ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc đều được yêu cầu đóng cửa chống dịch, ngày 14/3. Ảnh: AP

Chỉ trong vòng 2 ngày 14-15/3, danh sách các công ty thông báo ngừng sản xuất vì tình trạng phong tỏa ngày càng nhiều. Toyota và Volkswagen thông báo tạm dừng nhà máy lắp ráp ở Trường Xuân. Unimicron Technology, nhà sản xuất bảng mạch ở Thâm Quyến cũng tạm dừng hoạt động. Global Lighting Technologies, hãng sản xuất đèn LED, cũng dừng hoạt động ở Thượng Hải. Một số công ty khác như Foxconn cho biết sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang nhà máy ở khu vực khác.

Tuy nhiên, Mary E. Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết Foxconn khó có thể khắc phục khó khăn nếu xa rời hoạt động nhà máy gần Hong Kong.

Tuy nhiên, Foxconn và nhiều công ty khác có khả năng sẽ ưu tiên cho những khách hàng lớn nhất định như Apple. Do đó, “các công ty nhỏ hơn phụ thuộc vào linh kiện và thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng”, bà Lovely nói.

“Trung Quốc sẽ làm mọi thứ có thể để kiểm soát dịch bệnh. Câu hỏi đặt ra là điều gì mạnh hơn, các biện pháp chống dịch của chính phủ Trung Quốc hay virus Covid-19. Chúng ta đều biết rằng chủng Omicron là đối thủ đáng gờm”, bà nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ lớn nhất tại Nga, hàng nghìn binh sĩ đã tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 79 năm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.