Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số một thế giới năm 2030

KINH TẾ TRUNG QUỐC
14:52 - 09/03/2022
Xung đột Nga - Ukraine sẽ không thể ngăn cản nỗ lực trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2030 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Xung đột Nga - Ukraine sẽ không thể ngăn cản nỗ lực trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2030 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo dự báo của một cố vấn cấp cao Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine sẽ không thể cản trở nỗ lực của nước này trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới vào năm 2030. 

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine diễn ra vào thời điểm sức ép kinh tế suy thoái và căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc với các cường quốc phương Tây, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Justin Lin Yifu, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nhận định: "Tôi khá tin tưởng vào dự đoán của mình về việc Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030. Xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động đến kinh tế Trung Quốc, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến Mỹ. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn”.

Cho đến nay, Mỹ và các nước đồng minh đã tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm gạch tên các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu SWIFT. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo này cũng mạnh tay cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Ông Justin Lin Yifu là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh. Ảnh: Simon Song/SCMP

Ông Justin Lin Yifu là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh. Ảnh: Simon Song/SCMP

Kể từ khi chiến sự bùng nổ, giá dầu thô Brent đã nối tiếp đà tăng và đạt ngưỡng cao nhất trong 13 năm là 139 USD/thùng. Lạm phát giá năng lượng đang tạo ra những bất ổn lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo Giáo sư Lin, bất chấp tình trạng giá cả biến động, lạm phát của Trung Quốc sẽ không tăng nhanh.

Hôm 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc ở mức khoảng 3% trong năm 2022. Ngoài ra, nước này này dự kiến mức CPI vào tháng 2 sẽ không thay đổi ở mức 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng tôi hy vọng cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc. Điều này sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc”, ông Lin phát biểu trong phiên họp đang diễn ra ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang chứng kiến một dấu hiệu không chắc chắn trong thị trường trái phiếu, khi các nhà đầu tư nước ngoài có những động thái bán tháo trái phiếu Trung Quốc. Các nhà đầu tư đã bán trái phiếu Trung Quốc trị giá 67 tỷ NDT (10,6 tỷ USD) vào tháng trước, nâng lượng nắm giữ của họ lên 3,67 nghìn tỷ NDT (580 tỷ USD), bất chấp tỷ giá hối đoái của đồng NDT so với đồng USD tiến đến gần mức cao nhất trong 4 năm.

Trước những tác động tiêu cực đó, ông Lin vẫn có niềm tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có tiềm năng duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 8% từ nay cho đến năm 2035. Ông cũng là người ủng hộ việc Trung Quốc cần tiếp nối vai trò tích cực trong quy hoạch công nghiệp, giúp các nước đang phát triển trong khu vực nhanh chóng bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến.

Trung Quốc mới đây đã đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 5,5% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng thực tế trong hai năm qua là 5,1%. Mục tiêu tăng trưởng trên cũng cao hơn đáng kể so với dự báo tăng trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 4,8%.

Với ước tính tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng của mình, ông Lin cho biết Trung Quốc sẽ đảm bảo tăng trưởng ít nhất 2-3 điểm phần trăm so với Mỹ trong những năm tới.

“Trung Quốc rất có tiềm năng trong việc phát triển các lĩnh vực truyền thống của mình. Ngoài ra, với lợi thế là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc cũng chính là một thị trường nội địa rộng lớn”, ông nhận xét và nói thêm rằng trong lĩnh vực kinh tế mới, Trung Quốc cũng được hưởng lợi thế với khả năng bứt phá mạnh mẽ.

Theo ước tính trước đây của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cơ quan tư vấn của chính phủ Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ vào khoảng năm 2032. Riêng trong năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt mức 3/4 so với quy mô của nền kinh tế Mỹ. Đất nước tỷ dân này đã được coi là đối thủ chiến lược của Mỹ, trước những nỗ lực cạnh tranh công nghệ và chia rẽ kinh tế ngày càng gia tăng.

Bình luận về việc Mỹ gạch tên Nga khỏi SWIFT, giáo sư Lin cáo buộc Mỹ đã lợi dụng cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu để làm công cụ trừng phạt và nhận xét đây là mối đe dọa mà Trung Quốc từng phải đối mặt vào năm 2019.

“Kinh doanh và chính trị là hai lĩnh vực cần phải tách biệt. Nếu không, điều đó sẽ mang lại những cú sốc cho hệ thống tài chính toàn cầu", ông nói.

Trước những biến động địa chính trị và kinh tế bên ngoài biên giới, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường củng cố hệ thống thanh toán và quyết toán xuyên biên giới bằng đồng NDT. Ngoài ra, nước này đang cố gắng tăng sự hiện diện của đồng tiền Trung Quốc tại các giao dịch quốc tế nhiều hơn.

Mặc dù nêu ra những thế mạnh tài chính mà Trung Quốc đang nắm giữ, Giáo sư Lin cũng nhận xét rằng việc quốc tế hóa đồng NDT cần phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Cho dù quy mô nền kinh tế có sức vượt trội, nhưng chưa thể khẳng định đồng NDT sẽ thay thế được đồng USD.

“Điều này còn là một quá trình lâu dài”, ông nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.