Maybank Kim Eng dự báo tăng trưởng GDP quý IV đạt 0,8%

KINH TẾ Việt nAM
15:13 - 03/12/2021
Maybank Kim Eng dự báo tăng trưởng GDP quý IV đạt 0,8%
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo “Vietnam Economics, Recovery Underway as Production & Exports Strengthen" (tạm dịch: Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi nhờ tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu) do Maybank Kim Eng công bố ngày 29/11, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV ở mức 0,8%.

Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Nhận định tổng quát về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 11, các nhà phân tích Maybank Kim Eng cho rằng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là hai động lực chính của phục hồi kinh tế. Nhu cầu trong nước tiếp tục mạnh lên, tiến tới bắt kịp nguồn cung khi các địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Doanh số bán lẻ dù tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm đi (-12,2%) trong tháng 11 so với mức -16% của tháng 10.

Về sản xuất công nghiệp, sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, sản xuất công nghiệp trở lại mức tăng trưởng dương nhờ sự phục hồi của hàng loạt ngành công nghiệp nòng cốt.

Sản xuất công nghiệp hồi sinh trong tháng 11 (Nguồn: CEIC - Maybank Kim Eng)

Sản xuất công nghiệp hồi sinh trong tháng 11 (Nguồn: CEIC - Maybank Kim Eng)

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 5,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó ngành sản xuất chế tạo tiếp tục chứng minh vai trò nòng cốt với mức tăng trưởng 6,4% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của cả sản xuất thiết bị điện tử (riêng sản xuất máy tính, điện tử và quang học tăng trưởng 8,5%) và phi điện tử (riêng sản phẩm cao su - nhựa tăng 14,4%, hàng may mặc tăng 13,5%, than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,4%).

Tuy vậy, nhóm nghiên cứu Maybank Kim Eng cho rằng tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp lần này có khả năng yếu hơn hồi quý II/2020 do vẫn còn tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng đạt 59,7 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị kỷ lục 29,9 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 29,8 tỷ USD. Cán cân thương mại tháng 11 thặng dư 100 triệu USD, cán cân thương mại 11 tháng thặng dư 225 triệu USD.

Xuất khẩu gây bất ngờ với mức tăng trưởng mạnh mẽ 18,5%, tăng vọt so với mức tăng trưởng 6,1% của tháng 10. Động lực chính thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu đến từ các lĩnh vực máy móc và thiết bị (tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái), hàng dệt may (tăng 24,9%), máy tính - linh kiện điện tử (tăng 22,7%).

Khi nền kinh tế phục hồi trở lại thúc đẩy nhu cầu tăng lên, tác động làm nhập khẩu tăng tốc 20,8% từ mức tăng trưởng 7,8% trong tháng 10.

Sức cầu còn yếu, lạm phát cả năm 2021 ước 2%

Báo cáo của Maybank Kim Eng cho biết lạm phát toàn phần tháng 11 đạt 2,1%. Nguyên nhân chính đến từ mức tăng của chi phí vận tải (tăng 20,7% so với năm ngoái) và chi phí nhà ở (tăng 1,5%) khi giá năng lượng, giá vật liệu xây dựng lên cao. Con số này bù đắp mức giảm của giá lương thực thực phẩm (-0,1%) khi chuỗi cung ứng phục hồi và nguồn cung trở nên dồi dào hơn, đặc biệt giá thịt lợn giảm mạnh.

Lạm phát cơ bản tháng 11 tăng nhẹ 0,6% so với mức tăng 0,5% hồi tháng 10.

11 tháng năm 2021, lạm phát toàn phần đang ở mức 1,8%. Maybank Kim Eng hạ dự báo lạm phát năm nay xuống 2% từ mức 2,3% trong các báo cáo trước đó. Đồng thời duy trì dự báo lạm phát 3,8% cho năm 2022.

Lạm phát toàn phần tháng 11 đạt 2,1%, lạm phát cơ bản 0,6% (Nguồn: CEIC - Maybank Kim Eng)

Lạm phát toàn phần tháng 11 đạt 2,1%, lạm phát cơ bản 0,6% (Nguồn: CEIC - Maybank Kim Eng)

Theo nhóm nghiên cứu, nhu cầu hiện tại trong nền kinh tế còn yếu, thể hiện qua lạm phát vẫn ở mức thấp, nhưng các tín hiệu đang cho thấy cầu dần thoát khỏi đáy. Áp lực lạm phát được kỳ vọng sẽ tăng lên trong năm tới khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tăng. Bên cạnh đó, mức tăng giá nhiên nguyên vật liệu toàn cầu dự kiến cũng góp phần thúc đẩy lạm phát tại Việt Nam cao hơn trong năm sau, theo Maybank Kim Eng.

Dự báo tăng trưởng GDP quý IV 0,8%, tăng trưởng cả năm 1%

Dựa trên các phân tích, nhóm nghiên cứu Maybank Kim Eng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV/2021 đạt 0,8%, phục hồi đáng kể so với mức tăng trưởng -6,17% hồi quý III. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 1%, không đổi so với dự báo trong các báo cáo cập nhật trước đó.

Dự báo dựa trên giả định các hoạt động sản xuất - thương mại dần phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tuy nhiên khu vực dịch vụ vẫn chịu tác động tiêu cực chưa từng có khi tâm lý tiêu dùng suy yếu đáng kể và mối quan ngại về diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường.

Số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày tăng lên khi cả nước thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nguồn: CEIC - Maybank Kim Eng)

Số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày tăng lên khi cả nước thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nguồn: CEIC - Maybank Kim Eng)

Nhóm nghiên cứu cảnh báo diễn biến không chắc chắn của dịch COVID-19 vẫn là rủi ro lớn nhất cho đà phục hồi tháng cuối năm cũng như cả năm 2022. Khi các địa phương dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế kiểm dịch, chuyển hướng sang “sống chung với dịch”, số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày đang tăng trở lại, nhích gần đến mức cao hồi tháng 8 - tháng 9/2021. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 23/11 đạt khoảng 46% dân số, tỷ lệ tiêm chủng ít nhất một mũi đạt khoảng 69% dân số. Trong đó tỷ lệ tiêm chủng bao phủ ở các thành phố lớn và trung tâm công nghiệp đạt trên 70%.

(Nguồn: Maybank Kim Eng)

(Nguồn: Maybank Kim Eng)

Tại báo cáo gửi Chính phủ trong phiên họp báo hôm 2/10 của Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ đã trình 2 phương án tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm dựa trên cơ sở tăng trưởng 9 tháng đầu năm.

Phương án 1, với mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì tăng trưởng GDP quý IV/2021 phải đạt từ 7,06% trở lên.

Phương án 2, với mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm thì tăng trưởng GDP quý IV phải đạt từ 8,84% trở lên.

“Kỳ vọng với các nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, mong rằng quý IV chúng ta có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7% đã từng đạt được trong quá khứ, có như vậy mới đạt được kỳ vọng đề ra”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.