"Mọi hỗ trợ của Chính phủ đều vô nghĩa nếu như người nông dân không thay đổi"

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
18:35 - 28/10/2021
Tọa đàm "Nông nghiệp:Trụ đỡ vững chắc trong biến động” vào chiều 28/10.
Tọa đàm "Nông nghiệp:Trụ đỡ vững chắc trong biến động” vào chiều 28/10.
0:00 / 0:00
0:00
Muốn hình thành một nền nông nghiệp phát triển toàn diện thì trước hết phải khai tâm, khai trí và người nông dân phải mang tinh thần của một doanh nhân

Để có cái nhìn toàn diện về sự đóng góp của ngành nông nghiệp, với vai trò là một điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn thách thức và để cụ thể hóa các giải pháp huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp bền vững, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chiều 28/10 đã tổ chức Tọa đàm: “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan và ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam điều hành phiên Toạ đàm.

Nông nghiệp - trụ đỡ vững chắc trong biến động

Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Nhận định về những thành tựu của ngành nông nghiệp trong 9 tháng qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Trong đại dịch COVID-19 ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo. Tôi hay nghĩ đến câu nói vui: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng có sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân để kết nối trở thành sức mạnh. Do đó, ông Hoan lập luận, phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP mà là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Hoan, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò “trụ đỡ”, bởi nhu cầu ăn uống, sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần.

Đặc biệt hình ảnh dòng người hồi hương bỏ phố về quê thời gian qua cũng cho thấy, nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp.

Ảnh tác giả

Khuyến nông cần được hiểu trước tiên là phải khai tâm, thay đổi tư duy người nông dân nghĩ khác đi

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

“Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. Sau này, chưa rõ họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng giai đoạn này có thể khẳng định, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn”, ông Lộc chia sẻ.

Khuyến nông là phải khai tâm

Muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phát triển toàn diện thì yếu tố con người cần phải được chú trọng. Trao đổi về định hướng xây dựng đội ngũ lao động chuyên nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Xây dựng nông thôn mới là xây dựng con người nông thôn mới, không phải đơn giản chỉ là đưa giống hay con người xuống.

“Khuyến nông cần được hiểu trước tiên là phải khai tâm, thay đổi tư duy người nông dân nghĩ khác đi . Sau đó là khai trí đưa những kiến thức mới tới họ. Sau đó người nông dân sẽ bằng những sáng kiến, kinh nghiệm của họ để sản xuất”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Khuyến nông là phải khai tâm

Khuyến nông là phải khai tâm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề cập tới việc nâng cao năng lực cộng đồng mới là giải pháp quyết định: "Mọi sự hỗ trợ của Chính phủ đều vô nghĩa nếu như người nông dân không thay đổi"

Tán đồng với quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: "Nền nông nghiệp không chỉ đơn thuần là sản xuất nông nghiệp mà phải trở thành kinh tế nông nghiệp. Người nông dân cần mang tinh thần của người kinh doanh, bản chất là đầu tư tìm ra lợi nhuận cho mình, từ đó hướng tới nông dân khởi nghiệp".

Nói về vai trò của người nông dân trong việc giữ vững vị trí “trụ đỡ” của nền nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Nông dân cần có tinh thần của một nhà khoa học, một doanh nhân”. Do đó, cần đẩy mạnh tri thức hóa người nông dân và chuyển đổi công nghệ số.

Ảnh tác giả

Nền nông nghiệp không chỉ đơn thuần là sản xuất nông nghiệp mà phải trở thành kinh tế nông nghiệp. Người nông dân cần mang tinh thần của người kinh doanh, bản chất là đầu tư tìm ra lợi nhuận cho mình, từ đó hướng tới nông dân khởi nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc

“Cần có sự liên kết giữa các tầng lớp, bộ phận để thúc đẩy kinh tế phát triển. Để làm được điều này báo chí phải là truyền thông tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế kết nối”, Bộ trưởng Hoan nói.

Bộ trưởng Hoan nhận định, để “trụ đỡ” có thể bền vững, nền tảng phải rộng, sâu và chắc chắn từ việc kết nối nông nghiệp đa giá trị. Ông kỳ vọng nông nghiệp trong thời kỳ hậu COVID-19 sẽ tạo ra được niềm tin xã hội, tạo ra sự lạc quan để kích hoạt toàn thể xã hội. Qua các khảo sát, thống kê có thể thấy rằng mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2021 từ 2,5-2,8% (như Bộ đã đề ra) sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta.

Tin liên quan

Đọc tiếp