Tiếp tục phiên trả lời chất vấn Quốc hội, trước những câu hỏi dồn dập của nhiều đại biểu liên quan đến thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu giải pháp thực thi các gói hỗ trợ đến những nhóm đối tượng này cũng như mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 trong đề án Tái cấu trúc nền kinh tế.
Chính sách mới tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khỏe
Liên quan đến con số hơn 97.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) chỉ ra rằng chủ yếu trong số đó là doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá kỹ lưỡng các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đã đề ra.
Phản hồi đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra khó khăn lớn với doanh nghiệp hiện tập trung vào các vấn đề như tổng cầu giảm, sản lượng và doanh thu giảm mạnh, khó khăn về dòng tiền do sản xuất bị đình hoãn, khó khăn đầu vào khi chi phí nguyên vật liệu, cước logistics tăng nhanh, chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa gián đoạn, ngoài ra còn có khó khăn liên quan đến chuyên gia và lao động. Tuy nhiên, Nghị quyết 105, 128 của Chính phủ đã góp phần khích lệ tinh thần doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp mở cửa tái sản xuất.
Tại các khu công nghiệp phía nam, khoảng 92-96% doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, 70-75% lao động trở lại làm việc. Dự kiến đến quý I năm sau, 100% doanh nghiệp sẽ khôi phục hoạt động sản xuất hoàn toàn
Dù vậy, Bộ trưởng Dũng thừa nhận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua mới tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp khỏe, doanh nghiệp còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận (thông qua các chương trình giảm thuế, hoãn thuế), trong khi các doanh nghiệp yếu chưa được quan tâm đúng mức.
Các chính sách hỗ trợ dành cho nhóm doanh nghiệp yếu mới chỉ dừng lại ở gói hỗ trợ chung, tổng thể, chưa có gói hỗ trợ mục tiêu, chi tiết. Theo Bộ trưởng Dũng, Bộ KH&ĐT sẽ có phương án tham mưu Chính phủ để xây dựng chính sách cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp yếu, không có doanh thu, không có lợi nhuận trong thời gian tới.
Tiếp tục đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu vấn đề giải pháp phục hồi khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trả lời đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải pháp phục hồi khu vực doanh nghiệp được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn của năm 2020 tập trung vào duy trì sản xuất bằng cách giữ chân lao động, hỗ trợ doanh nghiệp để cầm cự. Bước sang năm 2021, chuyển sang thực hiện chính sách mở cửa nhanh nền kinh tế kết hợp với phòng, chống dịch tốt và xây dựng chương trình phục hồi để thúc đẩy sự khôi phục của toàn nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Chẳng hạn, Nghị quyết 105 áp dụng vào thực tiễn đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc thông qua 4 nội dung chính: hỗ trợ về mặt y tế, hỗ trợ về lưu thông hàng hóa, hỗ trợ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và hỗ trợ về lao động, chuyên gia.
“Các giải pháp hỗ trợ đã thúc đẩy doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, duy trì được sản xuất để không bị chuyển các đơn hàng ra nước ngoài. Chẳng hạn, Tập đoàn Nike có khoảng 200 doanh nghiệp đối tác với 500.000 lao động tại Việt Nam. Lúc tình hình căng thẳng, Nike đã chuyển khoảng 30% đơn hàng ra nước ngoài..., nhưng đến nay đã quay lại 100% sau khi chúng ta có Nghị quyết 128, Nghị quyết 105 để hỗ trợ doanh nghiệp… Vừa qua, lãnh đạo tập đoàn Nike có gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ở Hội nghị COP26, họ đã gửi lời cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng, họ cam kết sẽ tin tưởng và ở lại Việt Nam lâu dài. Điều đó cho thấy hiệu quả của các chính sách chúng ta đưa ra”, Bộ trưởng Dũng thông tin.
Nhiều giải pháp để khả thi hóa mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025
Liên quan đến Đề án tái cấu trúc nền kinh tế sắp được Quốc hội bấm nút thông qua với dự thảo mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025, Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đặt câu hỏi cần giải pháp đột phá nào về khung khổ chính sách và pháp lý đối với doanh nghiệp để đạt mục tiêu này.
Trả lời đại biểu Vũ Tiến Lộc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay tại nhiệm kỳ trước, Quốc hội đặt ra mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 nhưng trên thực tế đã không đạt được mục tiêu này. Hiện nay Bộ KH&ĐT cũng tính toán trên cơ sở tốc độ thành lập doanh nghiệp như giai đoạn qua kết hợp với các điều kiện, môi trường thuận lợi như hiện nay mà các bộ, ban, ngành, địa phương đang khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó kỳ vọng phấn đấu đạt mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025.
Nếu chúng ta thực hiện những chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp, hỗ trợ cho cả hộ kinh doanh và hỗ trợ cho cả hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp thì mục tiêu 1,5 triệu chúng tôi nghĩ hoàn toàn có thể thực hiện được
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng đồng tình với ý kiến đại biểu Vũ Tiến Lộc rằng cần phải có những giải pháp căn cơ và đột phá để đạt mục tiêu đã đề ra. Một là tập trung vào các chính sách trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành lập mới. Hai là tạo niềm tin để doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư thành lập doanh nghiệp và mới tham gia vào đầu tư cùng Nhà nước.
Bên cạnh đó, các chương trình như hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp... như Nghị định 57 đã đề cập, hay tăng cường đầu tư trong các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao… cũng sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bộ trưởng Dũng khẳng định sự cấp thiết của việc thể chế hóa các pháp luật để luật hóa, có cơ chế pháp luật quản lý và khuyến khích 5 triệu hộ kinh doanh, qua đó tạo điều kiện để hộ kinh doanh phát triển và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, chuyển thành doanh nghiệp, từ đó đạt mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp.