Muốn 'chuyển nhà' sang HoSE, Chứng khoán DSC có gì?

DSC CHỨNG KHOÁN
10:07 - 16/10/2023
Chứng khoán DSC có nhiều chuyển biến sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn Thành Công.
Chứng khoán DSC có nhiều chuyển biến sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn Thành Công.
0:00 / 0:00
0:00
Để chuẩn bị cho kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE, Chứng khoán DSC đã tích cực tăng vốn và thúc đẩy kết quả kinh doanh.

Chứng khoán DSC (mã DSC) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc chuyển cổ phiếu sang niêm yết trên sàn HOSE và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, sau khi hoàn tất lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Theo kế hoạch DSC sẽ hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và niêm yết toàn bộ cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Thời gian triển khai giao và ủy quyền cho HĐQT, dự kiến trong năm 2023 - 2024 hoặc thời điểm khác phù hợp với tình hình kinh doanh của công ty, tình hình thị trường và đảm bảo quy định pháp luật.

Về việc tìm kiếm công khai nhà đầu tư chiến lược, đối tượng được DSC lựa chọn là các công ty lớn/định chế tài chính lớn/cá nhân trong nước và nước ngoài đảm bảo điều kiện đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư được lựa chọn phải có tiềm lực tài chính, có uy tín và danh tiếng quốc tế, có thể hỗ trợ DSC trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ; có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của công ty.

Ngoài hai vấn đề trên, cổ đông DSC cũng thông qua việc sửa đổi nội dung điều lệ công ty tại Điều 10, 11 nhằm cập nhật tổng vốn điều lệ mới từ 1.000 tỷ đồng thành hơn 2.048 tỷ đồng.

Trước đó, Chứng khoán DSC đã phát hành gần 4,9 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), nâng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên gần 1.049 tỷ đồng.

Sau phát hành ESOP, DSC tiếp tục chào bán thành công gần 99,96 triệu cổ phiếu (trong số 100 triệu cổ phiếu dự kiến) ra công chúng theo phương thức phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp.

Kết thúc đợt chào bán (ngày 12/07), tổng thu ròng của DSC là gần 999,5 tỷ đồng. Vốn điều lệ công ty từ gần 1.049 tỷ đồng tiến lên hơn 2.048 tỷ đồng. Trong đó, hai cổ đông lớn nhất của DSC là CTCP Đầu tư NTP và ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch HĐQT công ty sở hữu lần lượt 70 triệu cổ phiếu (34,17%) và gần 73 triệu cổ phiếu (35,64%).

Ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch HĐQT DSC.

Ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch HĐQT DSC.

Thành viên Tập đoàn Thành Công

Chứng khoán DSC tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng, thành lập năm 2006. Tháng 8/2021, công ty tăng vốn “thần tốc” từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, bằng cách phát hành riêng lẻ 94 triệu cổ phiếu. CTCP Đầu tư NTP là một trong các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu riêng lẻ lúc đó. NTP đã mua 70 triệu cổ phiếu, trở thành công ty mẹ - cổ đông lớn. Trước giao dịch này Đầu tư NTP không sở hữu cổ phiếu DSC nào.

CTCP Đầu tư NTP là doanh nghiệp rất “trẻ”, thành lập tháng 3/2021 có địa chỉ tại tầng 8 Thành Công Building, số 80 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Doanh nghiệp cũng do ông Nguyễn Đức Anh (SN 1995) - Chủ tịch DSC làm Chủ tịch, kiêm tổng giám đốc và đại diện theo pháp luật. Trong đợt chào bán 100 triệu cổ phiếu vừa qua, NTP đã chuyển quyền mua 70 triệu cổ phiếu cho ông Nguyễn Đức Anh.

Mới đây, Tập đoàn Thành Công (TC Group) đã chính thức công bố Chứng khoán DSC thuộc hệ sinh thái của mình.

“Là một đơn vị trẻ, mới gia nhập Tập đoàn Thành Công từ cuối năm 2021, đến nay CTCP Chứng khoán DSC đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô và vị thế trên thị trường chứng khoán. Theo danh sách Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trong quý 2/2023 trên sàn UPCoM, Chứng khoán DSC xếp thứ 4 với 6,43%”, theo thông báo trên website của Tập đoàn Thành Công ngày 12/7.

Kết quả kinh doanh đột phá

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023, CTCP Chứng khoán DSC (mã chứng khoán DSC) ghi nhận doanh thu 127 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng mạnh từ gần 2 tỷ đồng của quý 2/2022 lên hơn 30 tỷ đồng, tương ứng gấp khoảng 15 lần. Lãi từ khoản cho vay và phải thu hơn 29 tỷ đồng, gấp 5 lần.

Trong khi đó, cộng chi hoạt động của DSC chỉ hơn 27 tỷ đồng, tăng 67%. Mặc dù chi phí lãi vay tăng gấp 4 lần lên hơn 35 tỷ đồng nhưng công ty vẫn mang về 56 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; so với cùng kỳ lỗ hơn 4 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DSC mang về 194 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,3 lần cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 56 tỷ đồng, gấp gần 5 lần.

Tổng tài sản của DSC tại thời điểm cuối quý 2/2023 đạt 4.372 tỷ đồng, tăng hơn 80% trong 6 tháng đầu năm 2023. Tiền mặt chiếm hơn 950 tỷ đồng, so với con số chỉ hơn 500 triệu đồng hồi đầu năm. Các tài sản tài chính thông qua lãi lỗ (FVTPL) cũng tăng mạnh từ hơn 1.100 tỷ đồng lên gần 2.000 tỷ đồng. Các khoản cho vay đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Nợ phải trả cũng tăng tương ứng, từ hơn 1.300 tỷ đồng lên hơn 3.200 tỷ đồng. Vay ngắn hạn tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên mức 2.226 tỷ đồng, đều là các khoản vay ngân hàng. Các khoản phải trả, phải nộp khác cũng tăng mạnh từ hơn 2 tỷ đồng lên 703 tỷ đồng.

Cùng với việc thay đổi cơ cấu cổ đông, cổ phiếu DSC có rất nhiều biến động trên sàn chứng khoán. Năm 2022, có giai đoạn DSC "vẽ hình cây thông" khi tăng mạnh từ mức 8.000 đồng/cp giai đoạn đầu tháng 7/2022 lên đến hơn 34.000 đồng/cp vào gần cuối tháng 11/2022, tương ứng gấp 4 lần chỉ trong vòng 4 tháng.

Sau khi tăng sốc, DSC lại có nhịp giảm sâu, về quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 1 tháng. Phiên 16/10, DSC đang giao dịch ở vùng giá 18.000 đồng, giảm 33% so với hồi đầu tháng 7/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.