Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

THỦY SẢN Việt nAM
18:17 - 16/12/2023
Ảnh minh họa: VGP
Ảnh minh họa: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,44 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, Mỹ tiếp tục giữ vị trí là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 8,23 tỷ USD 11 tháng 2023, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm diễn ra từ tháng 1 đến tháng 10 với mức thấp nhất vào tháng 1 với -39%, đây cũng là tháng có trị xuất khẩu thấp nhất với 457 triệu USD.

Tháng 11 là tháng duy nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận tăng trưởng dương về trị giá với +0,1%, tương ứng tăng từ 789 triệu USD (cùng kỳ năm 2022) lên 790 triệu USD.

Trong số các thị trường xuất khẩu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là ba thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam và đều đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong 11 tháng đầu năm 2023.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2023 với 1,44 tỷ USD, tương ứng chiếm 17,4% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, trị giá xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ lại ghi nhận giảm tới 28%.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với 1,39 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và giảm 11,8% so với cùng kỳ. Thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 15% và giảm 14,9%.

Về sản phẩm, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. VASEP cho rằng, xuất khẩu tôm bị chi phối bởi cạnh tranh về giá trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới dư thừa, giá bán hạ. Xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ.

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh trong quý cuối năm 2023 để bù đắp cho mùa tiêu dùng cao điểm tháng 12 và tháng 1, 2 năm sau. Tuy nhiên, tại Mỹ, quốc gia này lại nhập khẩu nhiều hàng tại Mỹ Latin do chi phí hậu cần thấp hơn.

Lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu. Tuy nhiên, các thương nhân không muốn bắt đầu mua hàng cho dịp Giáng sinh do nhu cầu đối với các loài giáp xác vẫn còn yếu, bao gồm cả tôm.

Nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán diễn ra từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Giá sẽ tăng trong giai đoạn này khi tổng sản lượng thấp theo mùa.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình xuất khẩu cá tra đều giảm ở các thị trường chính, đặc biệt tại Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù vậy, tình hình xuất khẩu cá tra đang cho thấy xu hướng khả quan ở một số thị trường như Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh….

Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phile thì các sản phẩm phụ như bóng bóng cá tra khô, chả cá tra cũng đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.