Nạn lúa ma hoành hành tại châu Á đe dọa năng suất lương thực

NÔNG NGHIỆP CHÂU Á
15:11 - 11/03/2024
Nông dân thu hoạch lúa tại tỉnh Kalasin, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg
Nông dân thu hoạch lúa tại tỉnh Kalasin, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Chiếm 80% nguồn cung gạo trên thế giới, các cánh đồng lúa tại châu Á đang phải đối mặt với một mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng tới từ lúa ma (còn gọi là lúa cỏ), một loại dịch hại đang gây thiệt hại lớn về năng suất.

Lúa cỏ, hay còn được gọi là lúa ma, có tên khoa học là Oryza Rufipogon, có hình dáng giống lúa thường nhưng với thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Lúa cỏ có thể phát triển cao hơn cây lúa thông thường và có thể lấy mất đi chất dinh dưỡng của đất và ánh sáng mặt trời của các cây khác.

Nguồn gốc của lúa cỏ không rõ ràng, tuy nhiên nó được ghi nhận lần đầu tiên từ khoảng 2 thập kỷ trước. Trả lời hãng tin SCMP, ông Kenneth Olsen, Giáo sư Sinh học tại Đại học Washington, cho biết: “Lúa cỏ trở nên hoang dã thông qua chọn lọc ngẫu nhiên”. Một số giống lúa cỏ còn đạt hiệu quả cao trong việc phát tán hạt nhờ đột biến gene và hoàn toàn có khả năng tồn tại tới 20 năm trên cánh đồng.

Do lúa cỏ xâm lấn, chất lượng thu hoạch, năng suất và giá trị thị trường của gạo đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Chỉ cần một lượng nhỏ cây lúa cỏ trên một mét vuông cũng có thể gây thiệt hại lớn cho việc thu hoạch lúa trồng. Theo ông Olsen, “một đợt dịch lúa cỏ lớn có thể làm giảm thu hoạch cây trồng trên một cánh đồng nhất định tới hơn 80%”.

Trên thế giới, đã có nhiều ví dụ về việc này. Mỹ là quốc gia đã ghi nhận thiệt hại mùa màng tương đương với lượng lương thực đủ để nuôi sống 12 triệu người do lúa cỏ gây ra trong vài năm qua, ông Olsen cho biết. Trong khi đó, bà Tonapha Pusadee, một nhà nghiên cứu khác thuộc cùng nhóm nghiên cứu với ông Olsen, cho biết quốc gia xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đã báo cáo thiệt hại khoảng 10% sản lượng do vấn đề lúa cỏ trong những năm gần đây.

Để giải quyết rắc rối này, bà Pusadee cho biết nông dân Thái Lan đã sử dụng nhiều phương pháp như cắt bỏ các bông hoặc phần ngọn của cây lúa, sử dụng hóa chất để loại bỏ vấn đề và chỉ trồng lúa trong một mùa. Một phương pháp mà nông dân có thể sử dụng đó chính là không canh tác hoàn toàn trong 2 tới 3 năm, sau đó cố gắng tiêu diệt tất cả cỏ dại. Tuy nhiên, hầu hết người nông dân vẫn cần trồng trọt để kiếm sống.

Các giống lúa chịu thuốc diệt cỏ đã được giới thiệu để giúp hạn chế sự lây lan của lúa cỏ. Tuy nhiên, chúng khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn vì một số giống lúa cỏ cũng tiến hóa để có thể chống chịu được thuốc diệt cỏ.

Theo SCMP dẫn lời ông B. K. Song, một nhà nghiên cứu lúa cỏ người Malaysia cũng thuộc nhóm nghiên cứu trên, cho biết một nguyên nhân khác khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn tới từ việc nông dân đã vi phạm các hướng dẫn về sử dụng giống lúa kháng thuốc diệt cỏ và sử dụng hóa chất kém chất lượng. Ở một số vùng của Malaysia, sự thất bại trong việc áp dụng lúa kháng thuốc diệt cỏ chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của nông dân và thiếu sót trong hệ thống hỗ trợ.

Sự gia tăng cơ giới hóa nông nghiệp ở châu Á cũng là nguyên nhân tình trạng lúa cỏ trở nên trầm trọng hơn vì nó cản trở nông dân nhổ cỏ bằng tay. Ông Olsen cho biết: “Các quốc gia theo đuổi nền nông nghiệp công nghiệp hóa đã phải đối mặt với vấn đề lúa cỏ gia tăng trong một vài thập kỷ qua”.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.