Nga khẳng định tên lửa mới Sarmat có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng ngự

Tên lửa NGA
12:10 - 17/12/2022
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat của Nga trong một vụ phóng thử ngày 21/4/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat của Nga trong một vụ phóng thử ngày 21/4/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược (SMF) của Nga hôm 16/12, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất của Nga là RS-28 Sarmat có khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống chống tên lửa nào hiện có hoặc thậm chí cả trong tương lai.

Trong một bài phỏng vấn với tờ Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ), tờ báo chính thức của quân đội Nga, Tướng Sergey Karakaev đã đưa ra một số thông tin chi tiết về tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Nga.

Cụ thể, ông khẳng định hệ thống tên lửa Sarmat có nhiều khả năng triển khai các loại tải trọng chiến đấu khác nhau và đặc biệt là dựa trên các nguyên tắc đảm bảo khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống tên lửa chống đạn đạo (ABM) nào cả hiện tại và tương lai.

Theo các thông tin công bố ban đầu, ICBM hạng nặng này chạy bằng nhiên liệu lỏng đã phóng thử thành công lần đầu tiên vào tháng 4/2022. Sự ra mắt của Sarmat sẽ nhằm thay thế các tên lửa R-36M2 Voevoda đã cũ, từ đó làm xương sống cho khả năng răn đe hạt nhân của Nga.

Được vận hành bởi SMF, Sarmat được đánh giá là “vượt trội hơn Voevoda về rất nhiều đặc điểm”. Đặc điểm nổi bật nhất có lẽ nằm ở giai đoạn tăng tốc ngắn của tên lửa này, từ đó cho phép nó tách các đầu đạn sớm hơn và khiến việc phát hiện tên lửa phóng để đánh chặn tiếp theo trở nên khó khăn hơn nhiều.

Ngoài ra theo lời giải thích của ông Karakaev, khả năng cung cấp năng lượng của nó cho phép triển khai nhiều loại vũ khí và biện pháp đối phó hơn. Chính sự tiến bộ này sẽ giúp “vô hiệu hóa” khả năng của các máy bay đánh chặn hiện tại và tương lai.

Theo các chuyên gia, Sarmat được cho là có thể mang tới 10 đầu đạn hạng nặng với khả năng tái nhập nhiều lần. Nó cũng được cho là tương thích với đầu đạn siêu thanh Avangard, một loại đầu đạn có thể tiếp cận các mục tiêu trong khí quyển ở tốc độ cao trong khi vẫn duy trì khả năng cơ động để tránh các hệ thống ABM.

Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng với Trung tâm tên lửa Makeev để sản xuất một số lượng không được tiết lộ hệ thống vũ khí Sarmat.

Theo hãng tin Reuters, động thái này không phải là một bất ngờ với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ nhưng là một động thái phản ánh lại tình hình căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng hiện nay,

Ở một diễn biến khác, RT trích dẫn nguồn tin từ công đoàn cho biết các nhà sản xuất vũ khí ở vùng Sverdlovsk thuộc vùng Urals của Nga đang phải kéo dài thời gian làm việc do xung đột ở Ukraine.

Cụ thể, ông Andrey Vetluzhskykh, người đứng đầu liên đoàn các công đoàn địa phương, trong một cuộc họp báo ở Ekaterinburg hôm thứ 16/12 cho biết các doanh nghiệp đang bận rộn thực hiện các mệnh lệnh quốc phòng của chính phủ. Để đảm bảo đủ số lượng khí tài, các công ty “hiện đang làm việc 6 ngày một tuần thay vì 5 ngày”.

Vùng Sverdlovsk là một trung tâm công nghiệp quốc phòng lớn của Nga và có hơn 100 công ty quốc phòng. Các công ty nằm tại đây bao gồm những công ty như Uralvagonzavod và Uraltransmash sản xuất xe bọc thép và pháo hay công ty NPO Avtomatiki - một trong những nhà sản xuất hệ thống điều khiển và thiết bị điện tử hàng đầu của đất nước cho ngành vũ trụ. Ngoài ra, nhà máy chế tạo máy Kalinin, nơi cung cấp hệ thống phòng không cho quân đội Nga cùng nhiều công ty quan trọng khác cũng nằm tại đây.

Đọc tiếp