Nga phá hủy cây cầu kết nối mặt trận Severodonetsk, Ukraine lo hết vũ khí

chiến sự Nga – Ukraine
08:54 - 13/06/2022
Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh tại khu phức hợp nhà máy hóa chất Azot ở thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters
Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh tại khu phức hợp nhà máy hóa chất Azot ở thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 12/6, các quan chức địa phương cho biết, lực lượng Nga đã cho nổ tung cây cầu kết nối chiến trường trọng điểm Severodonetsk với thành phố Lysychansk bên kia sông, nhằm cắt đứt con đường sơ tán quân sự và dân sự của Ukraine. 

Reuters dẫn lời ông Serhiy Gaidai, Thống đốc tỉnh Lugansk, thuộc vùng Donbass, miền Đông Ukraine, ngày 12/6, cho biết các lực lượng Ukraine và Nga vẫn giao tranh trên từng con đường ở thành phố Severodonetsk.

Quân đội Nga đã kiểm soát được hầu hết thành phố nhưng quân đội Ukraine vẫn kiểm soát một khu công nghiệp và nhà máy hóa chất Azot, nơi hàng trăm dân thường đang trú ẩn. Ông Gaidai cung cấp thông tin rằng: “Khoảng 500 dân thường vẫn còn sống trên khu vực gần nhà máy Azot ở Severodonetsk, có 40 trẻ em".

Binh sĩ Ukraine tại thị trấn Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 12/6. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine tại thị trấn Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 12/6. Ảnh: Reuters

Quân đội Nga đã phá hủy một cây cầu bắc qua sông Seversky Donets, nối Severodonetsk và thành phố sinh đôi Lysychansk. Điều này có nghĩa là Severodonetsk chỉ còn một cây cầu duy nhất vẫn tồn tại, ông Gaidai cho biết.

"Nếu cây cầu còn lại cũng bị pháo kích đánh sập nốt, thành phố sẽ hoàn toàn bị cô lập. Sẽ không còn con đường nào để rời khỏi Severodonetsk bằng đường bộ", ông Gaidai nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng 2 bên chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường.

Người đứng đầu tỉnh Lugansk thừa nhận, lực lượng Nga có thể sẽ bao vây, cô lập hoàn toàn Severodonetsk sau vài ngày nữa.

Phía Nga hiện chưa lên tiếng xác nhận thông tin trên.

Thành phố Severodonetsk trở thành tâm điểm xung đột giữa quân đội Nga và Ukraine ở vùng Donbass trong những tuần gần đây. Trong bài phát biểu hàng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 12/6 nhấn mạnh: "Mục tiêu chiến thuật quan trọng của Nga vẫn không thay đổi: họ tìm cách vây ép ở Severodonetsk, giao tranh diễn ra khốc liệt đang diễn ra ở đó - theo đúng nghĩa đen là để giành từng mét lãnh thổ".

Binh sĩ Ukraine khai hỏa hệ thống phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad ở gần thành phố Lysychansk, tỉnh Lugansk, Ukraine, ngày 12/6. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Ukraine khai hỏa hệ thống phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad ở gần thành phố Lysychansk, tỉnh Lugansk, Ukraine, ngày 12/6. Ảnh: Reuters

Severodonetsk và Lysychansk là 2 thành phố nằm dọc bờ sông Seversky Donets, đồng thời là 2 trong số những chốt chặn cuối cùng của lực lượng Ukraine ở tỉnh Lugansk. Chiếm được Severodonetsk sẽ giúp Nga có bàn đạp để tấn công thành phố Lysychansk ở bên kia sông, cũng như đảm bảo kiểm soát toàn bộ tỉnh Lugansk.

Nếu nắm được Lugansk, Nga có thể dồn lực lượng tiến xuống tây nam Donetsk và nhắm vào Kramatorsk, nơi có bộ tư lệnh quân sự vùng Donbass của Ukraine và đi đến hoàn thành mục tiêu "giải phóng Donbass".

Ở một diễn biến khác, phía Ukraine cho biết, tình trạng lực lượng nước này thiếu vũ khí đang diễn ra trên chiến trường miền đông - nơi có vùng Lugansk và Donetsk trọng điểm. Bà Mariana Bezugla, Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo, Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết Kiev đã nhận được nhiều đạn cho các khẩu pháo mà NATO cung cấp, nhưng số vũ khí phương Tây chưa đủ để xoay ngược tình thế.

Vỏ đạn pháo ngổn ngang tại vùng Donetsk, Ukraine, ngày 11/6. Ảnh: Reuters

Vỏ đạn pháo ngổn ngang tại vùng Donetsk, Ukraine, ngày 11/6. Ảnh: Reuters

Hôm 10/6, Phó cục trưởng Cục tình báo quân sự Ukraine Vadym Skibitsky thừa nhận rằng, Ukraine đang bị lép vế trong các cuộc đấu pháo kích với Moscow ở tiền tuyến vì thiếu đạn cho các mẫu pháo cũ. Ông nói, quân đội Ukraine đã bắn 5.000-6.000 viên đạn pháo mỗi ngày và "gần như sử dụng hết cơ số đạn mà chúng tôi có". Trong khi đó, Nga dùng khoảng 60.000 quả đạn pháo và rocket mỗi ngày.

Ông Michael Kofman, Giám đốc chương trình nghiên cứu Nga tại viện nghiên cứu CNA ở Mỹ, nhận định nguồn cung đạn dược có thể sẽ định đoạt kết quả trận chiến ở miền đông. "Cuộc chiến này nghiêng về tiêu hao bằng pháo binh hơn là các trận đánh trực tiếp. Điều này đồng nghĩa là bên nào có nhiều đạn hơn thì có cơ hội thắng cao hơn", ông nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.