Nga và Ukraine sẽ nối lại đàm phán trực tuyến vào ngày 1/4

đàm phán Nga – Ukraine
10:01 - 31/03/2022
Cuộc đàm phán hòa bình giữa các phái đoàn từ Nga và Ukraine tại Văn phòng Tổng thống Dolmabahce ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CNN
Cuộc đàm phán hòa bình giữa các phái đoàn từ Nga và Ukraine tại Văn phòng Tổng thống Dolmabahce ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CNN
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia cho biết, Nga và Ukraine sẽ tiếp tục nối lại các cuộc đàm phán hòa bình theo hình thức trực tuyến vào ngày 1/4.

Theo Reuters, ông David Arakhamia đưa ra thông tin trên trong một bài đăng trên mạng xã hội, sau khi phái đoàn hai nước kết thúc đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3.

Quan chức cấp cao Ukraine cho biết, Kiev đã đề xuất về một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, phía Nga phản hồi rằng hai bên cần tiếp tục làm nhiều việc hơn nữa để thống nhất các vấn đề trong dự thảo hiệp ước, trước khi một cuộc gặp như vậy diễn ra.

Phái đoàn Nga và Ukraine trong cuộc đàm phán hôm 29/3. Ảnh: CNN

Phái đoàn Nga và Ukraine trong cuộc đàm phán hôm 29/3. Ảnh: CNN

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nổ ra tại Ukraine vào ngày 24/2, Moscow và Kiev đã tiến hành 5 vòng đàm phán. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận trước, phái đoàn hai nước đều nhận thấy không có bước đột phá nào cho tiến trình hòa bình và chấm dứt xung đột, ngoại trừ việc nhất trí thiết lập hành lang nhân đạo tại nhiều khu vực của Ukraine để sơ tán dân thường ra khỏi vùng chiến sự.

Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa phái đoàn Nga và Ukraine trong hơn hai tuần qua tại Istanbul hôm 29/3 được cho là “đã đánh dấu bước tiến quan trọng nhất trong các cuộc thảo luận”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu phát biểu với báo giới sau khi cuộc đàm phán kết thúc.

Một khu dân cư bị hư hại do pháo kích tại Irpin, Ukraine ngày 29/3. Ảnh: Reuters
Một khu dân cư bị hư hại do pháo kích tại Irpin, Ukraine ngày 29/3. Ảnh: Reuters

Vòng đàm phán này theo kế hoạch ban đầu sẽ diễn ra trong hai ngày 29-30/3, nhưng đã kết thúc chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, cả hai bên đều đánh giá cuộc gặp này có những dấu hiệu tính cực, mở ra hy vọng giảm nhiệt xung đột và tiến tới hòa bình.

Trong cuộc thảo luận, phái đoàn Nga cho biết Moscow sẽ “giảm mạnh hoạt động quân sự” tại thủ đô Kiev cũng như một số thành phố ở khu vực miền bắc Ukraine để tạo điều kiện đàm phán.

Trong khi đó, phái đoàn Ukraine đưa ra các đề xuất bằng văn bản về trạng thái trung lập và phi hạt nhân để đảm bảo an ninh quốc gia, bao gồm việc Kiev sẽ không tham gia vào các liên minh quân sự, không sở hữu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt khác, cam kết không cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ.

Cố vấn Tổng thống Volodymyr Zelensky nhận xét, cả hai phái đoàn đã có “cuộc tham vấn chuyên sâu” về vấn đề đảm bảo an ninh và khả năng ngừng bắn. Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết hai bên đã có “cuộc thảo luận ý nghĩa” và các đề xuất của Ukraine sẽ được trình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, Điện Kremlin ngày 30/3 cho biết quyết định giảm các hoạt động quân sự trong ngày của Moscow không phải là “lệnh ngừng bắn” và không thể hứa hẹn trước điều gì về cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Phía Nga cho biết, để đạt được thỏa thuận với Kiev vẫn còn là một chặng đường dài.

Giao tranh quân sự giữa Nga và Ukraine đã bước sang ngày thứ 35. Giới chức Ukraine hôm 30/3 cáo buộc các lực lượng Nga vẫn tiếp tục tấn công thành phố Chernihiv, thành phố cảng Mariupol và một số khu vực khác, bất chấp tuyên bố của Moscow sau đàm phán.

Trong khi đó, trong bài phát biểu trước quốc hội Na Uy, Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi các nước phương Tây cần siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm việc đóng cửa cảng, "cấm tàu Nga sử dụng các cảng của châu Âu".

Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 4 triệu người dân đã rời khởi Ukraine kể từ khi cuộc giao tranh nổ ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.