Ngân hàng bố trí 1.140 tỷ đồng cho thu mua, chế biến vải thiều Bắc Giang

Vải Bắc Giang
15:30 - 24/05/2023
Vụ vải thiều 2023 Bắc Giang ước xuất khẩu khoảng 99.000 tấn. Ảnh: VOV.
Vụ vải thiều 2023 Bắc Giang ước xuất khẩu khoảng 99.000 tấn. Ảnh: VOV.
0:00 / 0:00
0:00
Với dự kiến sản lượng tiêu thụ 99.000 tấn vải xuất khẩu và 81.000 tấn nội địa trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn 1.140 tỷ đồng cho công tác thu mua, chế biến vải.

Nhằm bảo đảm nhu cầu vốn phục vụ chế biến và tiêu thụ vải thiều năm nay, bà Lê Thị Hoàng Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bắc Giang cho biết, ngay từ đầu vụ, cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn có kế hoạch cân đối, ưu tiên nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận vay vốn thuận lợi nhất.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh chuẩn bị lượng tiền mặt nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động thu mua, chế biến vải thiều. Qua rà soát, các ngân hàng thương mại bố trí khoảng 1.140 tỷ đồng để phục vụ công tác này.

Cùng với việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động bố trí vốn, vào vụ vải thiều, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Giang đề nghị các đơn vị thường xuyên hỗ trợ các chi nhánh trực thuộc ở cấp huyện trong việc điều chuyển kịp thời tiền mặt ngay trong ngày.

Đặc biệt là tăng cường bố trí cán bộ tín dụng về địa bàn, xem xét thành lập các tổ lưu động nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch của khách hàng trong mùa vải thiều.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm nay tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh khoảng 29,7 nghìn ha, trong đó diện tích vải sớm 7,7 nghìn ha, vải thiều chính vụ 22 nghìn ha.

Bắc Giang tiếp tục duy trì, nhân rộng diện tích vải theo hướng bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Trung Quốc và các thị trường truyền thống khác mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Tân Lập (Lục Ngạn) có hơn 900 ha vải thiều, trong đó hơn 500 ha theo mô hình VietGAP. Xã Phúc Hòa (Tân Yên) sản xuất gần 700 ha vải thiều sớm, với 25ha vùng sản xuất bảo đảm xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Mỹ với 3 mã vùng, diện tích 25 ha (sản lượng khoảng 300 tấn).

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vụ vải thiều năm 2023, Bắc Giang dự kiến tiêu thụ khoảng 81.000 tấn vải thiều ở thị trường nội địa (chiếm khoảng 45% tổng sản lượng).

Các kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...; các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam như Thủ Đức, Bình Điền, Hooc Môn (TP HCM), Dầu Giây (Đồng Nai), Hòa Cường (Đà Nẵng).

Ngoài ra, Bắc Giang còn tiêu thụ vải thiều ở các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị (Central Retail, Mega Market, Saigon Co.op, Hapro, Aeon, Lotte, Winmart); các chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ và trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon); bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội: Facebook, Zalo, Youtube.

Đối với thị trường xuất khẩu, Bắc Giang dự kiến tiêu thụ khoảng 99.000 tấn vải thiều (chiếm khoảng 55% tổng sản lượng, tăng 16,9% so với năm 2022), tập trung chủ yếu thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia.

Tin liên quan

Đọc tiếp