Ngân hàng Nhà nước đề nghị kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

TÀI CHÍNH Việt nAM
11:46 - 28/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Các tổ chức tín dụng đang được NHNN chỉ đạo phải đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp….

Tại bản Kế hoạch hành động được Ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, hỗ trợ tiền tệ cho biết, NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1 điểm % trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, NHNN sẽ điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Các ngân hàng sẽ hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay nhằm phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng... với mức lãi suất hợp lý, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp….

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng giảm

Về trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng, báo cáo tại Công ty chứng khoán SSI vừa công bố cho biết quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021. Quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh từ mức 68% năm 2020 lên mức tương đương 88% năm 2021 so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, dù số dư trái phiếu mà các ngân hàng đang giữ trong tay tăng lên nhưng tốc độ thấp hơn so với quy mô thị trường này, kéo tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại liên tục giảm từ 71% năm 2018 xuống 25% tính đến cuối năm ngoái.

Thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều cảnh báo và quy định theo hướng siết dòng vốn tín dụng ngân hàng đổ vào trái phiếu doanh nghiệp.

Đề xuất tăng vốn điều lệ

Trong năm 2021, các ngân hàng đã tăng vốn điều lệ hơn 23% với tổng cộng hơn 92.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm mà ngành ngân hàng có tốc độ tăng vốn mạnh mẽ nhất và vượt qua cả năm 2018.

Thế nhưng, trong báo cáo mới đây, hãng xếp hạng quốc tế Fitch Ratings tiếp tục đánh giá, hệ thống ngân hàng của Việt Nam có vốn hóa mỏng so với rủi ro môi trường hoạt động và các ngân hàng quốc tế.

Fitch Ratings nhận định, vốn hóa của ngành ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây nhờ khả năng sinh lời mạnh hơn, và các ngân hàng tích cực tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel II.

Tại thời điểm cuối quý III/2021, CAR bình quân của các ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng cổ phần tuân thủ Basel II lần lượt ở mức 9,2% và 11,4%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức bình quân 19,4% của các NH tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á khác.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng được báo cáo thấp hơn thực tế, do các khoản dự phòng tín dụng bổ sung đối với các khoản vay có vấn đề chưa được tính vào (khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch COVID-19).

Do đó, để đáp ứng buộc phải tăng vốn điều lệ và các chuyên gia của Fitch Ratings ước tính hệ thống ngân hàng sẽ cần thêm vốn bổ sung lên tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP), nhằm đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho vay bù đắp thiệt hại có thể xảy ra từ tất cả khoản vay có vấn đề, đồng thời duy trì hệ số CAR ở mức 10%. Trong đó, đối tượng cần bổ sung vốn điều lệ chủ yếu là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.