BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, cán mốc 50.000 tỷ đồng

BIDV NGÂN HÀNG
15:47 - 22/02/2022
Ngân hàng BIDV hiện dẫn đầu toàn ngành về vốn điều lệ.
Ngân hàng BIDV hiện dẫn đầu toàn ngành về vốn điều lệ.
0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều nỗ lực xin tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 155/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của BIDV. Theo đó, vốn điều lệ của BIDV là 50.585.238.160.000 đồng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép BIDV tăng vốn bằng trả cổ tức với tỷ lệ 25,77%, sau khi Đại hội đồng cổ đông của BIDV đồng thuận. Nguốn vốn để thực hiện được lấy từ lợi nhuận để lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 của ngân hàng. Như vậy, lần này BIDV được tăng thêm hơn 10.365 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng không có cổ đông mới và cũng không có thêm vốn mới.

Việc tăng vốn của BIDV diễn ra trong bối cảnh cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng đang diễn ra sôi nổi. Thực tế đầu năm 2021, BIDV vẫn là ngân hàng dẫn đầu thị trường về vốn điều lệ với hơn 40.220 tỷ đồng. Đứng sau là VietinBank, Vietcombank, Techcombank. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2021, BIDV đã rơi xuống vị trí thứ ba, trong khi VietinBank và VPBank (đầu năm đứng vị trí thứ 6) vươn lên dẫn đầu và thứ hai với vốn điều lệ lần lượt 48.058 tỷ đồng và 44.455 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của BIDV, trong năm 2021, lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ đạt 12.600 tỷ đồng, tăng hơn 51% so với năm trước. Trong đó có 4 đơn vị mang về lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng - ngang với lợi nhuận của một số ngân hàng quy mô tầm trung: Chi nhánh Hà Nội, chi nhánh Hà Thành, chi nhánh Sở giao dịch 1, chi nhánh Thanh Xuân.

Tổng kết, lợi nhuận hợp nhất cả năm của nhà băng đạt 13.500 tỷ, tăng 50% so với năm trước. Trong đó, chênh lệch thu chi vẫn dẫn đầu khối ngân hàng thương mại như mọi năm, đạt gần 41.760 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.

Chất lượng tài sản của nhà băng trong năm qua cũng được cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 0,81%; đồng thời trích lập đủ 100% dự phòng cho nợ cơ cấu vì Covid-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235%, mức cao nhất trong lịch sử của BIDV.

Tính đến cuối 2021, tổng tài sản của BIDV tăng 16% so với cuối 2020, đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, là nhà băng có quy mô lớn nhất hệ thống. Huy động vốn tổ chức tăng gần 17% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành; dư nợ tín dụng tăng 11,8% so với năm trước (hạn mức được giao là 12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BID là mã ngân hàng tăng tốt nhất từ đầu năm 2022 tới nay. Từ mức giá 36.000 đồng/cp, BID có nhiều phiên tăng mạnh và đạt đỉnh 49.000 đồng vào phiên 25/1. Hiện mã giao dịch ở mức 45.000 đồng, tương đương tăng 25% trong chưa đầy 2 tháng.

Sự bứt phá của BID sát với nhận định từ các công ty chứng khoán trong năm 2021, rằng trong nhóm cổ phiếu "Big 3" ngân hàng gồm CTG, VCB và BID thì BID còn nhiều dư địa tăng trưởng nhất do ngân hàng này còn dư địa bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong khi CTG và VCB đã kín room ngoại. Ngoài ra, kết quả kinh doanh khá tích cực năm 2021 cũng hậu thuẫn cho đà tăng của cổ phiếu này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.