Ngành mía đường có xu hướng thu hẹp do bị đường ngoại cạnh tranh

Mía đường Việt nAM
09:18 - 14/01/2022
Ngành mía đường Việt Nam đang bị thu hẹp.
Ngành mía đường Việt Nam đang bị thu hẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất mía đường vụ 2021 - 2022 được dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 286 nghìn tấn trong khi sản xuất ngày càng thu hẹp do bị cạnh tranh bởi đường nhập khẩu và đường nhập lậu.

Số liệu mới nhất của ISO (tháng 11/2021) cho biết, sau vụ 2017 - 2018 dư cung 78 nghìn tấn, kể từ vụ 2018 - 2019 đến vụ 2020 - 2021, sản xuất mía đường trong nước luôn ở trong tình trạng thiếu hụt từ 430 nghìn tấn đến 1,2 triệu tấn và dự báo vụ 2021 – 2022 sẽ thiếu hụt khoảng 286 nghìn tấn.

Với khả năng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu đường sử dụng trong chế biến, Việt Nam phải nhập khẩu khối lượng lớn đường từ các nước. Lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam diễn ra dưới hzi hình thức là nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu.

Theo thông tin do nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends kết hợp với Hiệp hội mía đường Việt Nam khảo sát, giai đoạn 2017 - 2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2 - 1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30 - 90% trong tổng lượng nhập khẩu, tùy theo từng năm, phần còn lại (10 - 70%) là đường nhập lậu.

Năm 2020, tổng lượng đường nhập khẩu của Việt Nam tăng đột biến, đạt 1,58 triệu tấn, tăng gần 4,4 lần so với lượng nhập năm 2019 (362,6 nghìn tấn) và gấp hơn 2 lần sản lượng đường sản xuất được trong nước trong vụ 2019 - 2021 (767,9 nghìn tấn).

Trong tổng lượng nhập khẩu năm 2020, 62,8% là đường trắng và 37,4% là đường thô. Forest Trends giải thích lý do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến là bởi 2020 là năm đầu tiên Việt Nam xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu và giảm thuế về 5% đối với các mặt hàng đường có xuất xứ từ các nước tham gia Hiệp định Thương mại và Hàng hóa ASEAN - ATIGA.

Lượng đường nhập khẩu trong các năm tiếp theo được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Về nguồn gốc đường nhập khẩu chính ngạch trong năm 2020, có tới 83,8% lượng đường nhập khẩu là từ Thái Lan, còn lại là từ Malaysia, Campuchia, Myanmar, Brazil, Lào, Indonesia, Ấn Độ, nguồn khác và không rõ nguồn gốc.

Ngoài các kênh nhập khẩu đường chính ngạch nêu trên, đường từ nước ngoài còn xâm nhập vào Việt Nam qua con đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập khẩu, thông qua hình thức nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu hàng nông sản và tạm nhập tái xuất.

Sau khi Việt Nam chính thức thực hiện cam kết ATIGA từ ngày 1/1/2020, do đã xóa bỏ hạn ngạch và cắt giảm thuế nhập khẩu từ 80 - 85% xuống chỉ còn 5%, đường chủ yếu được nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chính ngạch. Tuy vậy, vẫn có khoảng 206 nghìn tấn đường nhập lậu qua Campuchia và Lào, dù chỉ còn lợi thế nhỏ là 5% thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT khi tiêu thụ so với đường nhập khẩu chính.

Forest Trends cho rằng đường nhập lậu từ Thái Lan ngày càng tăng chủ yếu do đường xuất khẩu của Thái Lan được trợ giá nên giá thành nhập khẩu về Việt Nam luôn thấp hơn đường sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, từ tháng 11/2017, Thái Lan hủy bỏ quy định giá bán lẻ đường nội địa, nên càng kích thích xuất lậu đường sang Việt Nam thông qua Campuchia và Lào.

Do bị đường nhập khẩu nước ngoài cạnh tranh nên ngành mía đường Việt Nam đang có xu hướng thu hẹp sản xuất. Báo cáo cho thấy từ năm 2018 đến năm 2020 diện tích trồng mía đã giảm từ 269,3 nghìn ha xuống còn 187,1 nghìn ha (giảm 82,2 nghìn ha), năng suất mía trung bình giảm từ 66,6 tấn/ha xuống còn 63,5 tấn/ha (giảm 3,1 tấn/ha), sản lượng mía giảm từ 17,9 triệu tấn xuống còn 11,8 triệu tấn (giảm 6,06 triệu tấn).

Trong đó, diện tích và sản lượng mía giảm nhiều nhất là ở vùng Tây Nam Bộ (giảm 19,6 tấn/ha; 1,73 triệu tấn), năng suất mía giảm nhiều nhất là ở vùng Đông Nam Bộ (giảm 7,9 tấn/ha).

Nguyên nhân chủ yếu được Forest Trends đưa ra là do ảnh hưởng của ngành mía đường Việt Nam phải thực hiện cam kết khi hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định ATIGA từ ngày 1/1/2020, cũng như tình trạng dư cung trong một thời gian dài của thị trường đường thế giới, khiến giá đường, giá mía xuống thấp kỷ lục.

Ở vụ 2019 – 2020, Việt Nam chỉ có 29 nhà máy đường hoạt động, giảm mạnh so với số nhà máy trước đó. Lý do chủ yếu của các nhà máy đường giải thể hoặc ngừng hoạt động là do sản xuất kinh doanh thua lỗ. Trong số 29 nhà máy đường còn hoạt động có 26 nhà máy đường (chiếm 89,6%) là doanh nghiệp 100% vốn tư nhân trong nước, 2 nhà máy đường liên doanh và một nhà máy đường 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), tổng lược đường tiêu thụ của Việt Nam tăng sẽ từ 1,70 triệu tấn đường năm 2021 lên 2,02 triệu tấn vào năm 2029. Lý do chủ yếu là dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ mức 97,2 triệu người lên 102,3 triệu người vào năm 2029.

Để ngành mía đường khôi phục lại sức sống và phát triển, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng cần có các chính sách nâng cao sức cạnh tranh trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, cần tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại kiểm soát đường nhập khẩu, đặc biệt là đường nhập lậu.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) nhận định đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam như An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp... rồi đưa vào thị trường tiêu thụ.

Chính vì vậy, sau quá trình điều tra, mới đây Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Tin liên quan

Đọc tiếp