Nghị quyết đã thông qua, bao giờ triển khai Chương trình phục hồi?

VĨ MÔ Việt nAM
14:11 - 14/01/2022
Nghị quyết đã thông qua, bao giờ triển khai Chương trình phục hồi?
0:00 / 0:00
0:00
“Quốc hội đã rất khẩn trương rồi, câu hỏi là đến bao giờ Chính phủ cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp, các chính sách tài khóa tiền tệ để ban hành Chương trình phục hồi này", đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu băn khoăn.

Tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV hồi đầu tuần này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó làm rõ các chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 347 nghìn tỷ.

Các gói chính sách tài khóa tiền tệ bao gồm nhiều cấu phần hướng đến 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: chi phòng chống dịch và nâng cao năng lực y tế; chi an sinh xã hội; chi hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và đặc biệt là nhóm giải pháp khác về cơ chế, thể chế.

Như vậy, sau khoảng 4 tháng bàn thảo và xây dựng, Nghị quyết chính sách tài khóa tiền tệ với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã được Quốc hội thông qua. Câu hỏi đặt ra lúc này: bao giờ triển khai Nghị quyết?

Tại Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022 chủ đề: "Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng - Từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp" sáng 14/1, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cũng đặt ra vấn đề tương tự.

Ông cho rằng, đây có có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội họp một phiên bất thường, làm việc ngày đêm như vậy để thông qua Nghị quyết chính sách tài khóa và tiền tệ. Do vậy Chính phủ cũng cần phát huy tinh thần khẩn trương và quyết liệt đó trong ban hành triển khai Nghị quyết.

“Quốc hội đã rất khẩn trương rồi, câu hỏi là bao giờ Chính phủ cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp, các chính sách tài khóa tiền tệ để ban hành Chương trình. Phải khẩn trương quyết liệt. Cá nhân tôi rất mong muốn trong tháng 1 này nhìn thấy (Chương trình) được ban hành. Chậm ngày nào đồng nghĩa chưa có gì xảy ra”, ông Phan Đức Hiếu nói thêm.

Ảnh tác giả

“Quốc hội đã rất khẩn trương rồi, câu hỏi là bao giờ Chính phủ cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp, các chính sách tài khóa tiền tệ để ban hành Chương trình. Phải khẩn trương quyết liệt".

Ông Phan Đức Hiếu

Tương tự, chuyên gia kinh tế trưởng Nguyễn Minh Cường (Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB) cũng nhấn mạnh: “Khi chúng ta nói đến cơ hội, chúng ta đều nói đến thời gian. Việt Nam có thể có dư địa tài khóa, dư địa tiền tệ nhưng dư địa thời gian thì phải hết sức cân nhắc”.

Vấn đề phải cân nhắc dư địa thời gian là do thời gian thực hiện 2 năm (2022-2023) cho gói giải pháp tài khóa, tiền tệ quy mô gần 350 nghìn tỷ, lớn nhất từ trước đến nay đòi hỏi khâu ban hành, triển khai thực hiện phải thật sự gấp rút. Cần nói thêm rằng, dự kiến 42% quy mô gói này sẽ phải giải ngân ngay trong năm 2022.

Hiệu quả triển khai gắn liền với cải cách thể chế

Ngoài triển khai nhanh chóng thì vấn đề hiệu quả cũng là yêu cầu tiên quyết trong Chương trình phục hồi lần này. Bởi như nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý tại kỳ họp vừa qua, không đơn giản để huy động, bố trí nguồn lực lên tới gần 350 nghìn tỷ cho các giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi trong bối cảnh ngân sách áp lực như hiện tại.

Cần nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên Chính phủ đề xuất và được Quốc hội thông qua cơ chế đặc biệt cho huy động nguồn lực: Trong trường hợp cần thiết cho phép phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước. Như vậy để thấy rằng áp lực tiêu nhanh, tiêu hiệu quả từng đồng vốn bố trí cho Chương trình phục hồi trong 2 năm (2022-2023) là rất lớn.

Ở một góc nhìn khác về tính hiệu quả, nhóm chuyên gia Viện Đào tạo Nghiên cứu BIDV, dẫn đầu là TS. Cấn Văn Lực nhận định, yếu tố cần để Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2022 là thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi tới đây.

Phân tích việc làm thế nào để công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết thực sự hiệu quả, Chuyên gia kinh tế trưởng Nguyễn Minh Cường (ADB) khẳng định: “Yếu tố hiệu quả gắn liền với cải cách thể chế”.

Ảnh tác giả

“Yếu tố hiệu quả gắn liền với cải cách thể chế”.

Ông Nguyễn Minh Cường

Tương tự, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu khuyến nghị: “Chính phủ và các cơ quan trong phạm vi thẩm quyền vẫn phải tiếp tục cải cách thể chế, rút ngắn thời hạn, bãi bỏ những quy định thủ tục không cần thiết. Đây là đòi hỏi cấp thiết để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả hơn”.

Thực tế, điều 5 tờ trình Nghị quyết chính sách tài khóa tiền tệ mà Quốc hội thông qua đã quy định rất rõ các cơ chế đặc thù hỗ trợ triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi với nhiều biện pháp “gỡ vướng” đáng chú ý, đặc biệt liên quan đến gói đầu tư công.

Cụ thể 3 cơ chế đặc thù bao gồm: Cơ chế chỉ định thầu với các gói thầu phục vụ những dự án hạ tầng quan trọng quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế; Cơ chế quy định nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm với dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình và Cơ chế phân cấp phân quyền cho UBND cấp tỉnh của địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025).

Ngoài ra, tại điều 6 Nghị quyết, Quốc hội cũng giao Chính phủ 10 nhóm nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan… để hỗ trợ triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi.

Đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: “Tôi rất mong muốn tinh thần khẩn trương, quyết liệt từ nay trở đi phải được coi là bình thường chứ không phải sau dịch chúng ta lại quay trở về sự đủng đỉnh như Chủ tịch Quốc hội nói về tình trạng ‘đầu năm đủng đỉnh cuối năm vội vàng’”.

Tin liên quan

Đọc tiếp