Người thân ông Lê Phước Vũ đăng ký bán hết 10,7 triệu cổ phiếu HSG

HSG Hoa Sen
14:49 - 11/09/2023
Hệ thống bán lẻ Hoasen Home của Hoa Sen Group.
Hệ thống bán lẻ Hoasen Home của Hoa Sen Group.
0:00 / 0:00
0:00
Anh vợ Chủ tịch Hoa Sen Group Lê Phước Vũ muốn thoái hết vốn trong bối cảnh HSG đã tăng 200% từ vùng đáy tháng 11/2022.

Ông Nguyễn Văn Chiến, anh vợ ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) ngày 11/9 có công bố thông tin gửi HoSE về việc đăng ký bán toàn bộ hơn 10,7 triệu cổ phiếu HSG đang nắm giữ, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,74% về 0%. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 14/9-13/10 bằng phương pháp khớp lệnh và thỏa thuận.

Trên thị trường, HSG đang giao dịch ở vùng giá 21.000 đồng. Tạm tính theo mức giá này, ông Chiến có thể thu về khoảng 225 tỷ đồng.

Động thái bán ra của cổ đông lớn diễn ra trong bối cảnh HSG đã phục hồi mạnh từ vùng đáy tháng 11/2022, với mức tăng 200%. Chỉ tính từ cuối tháng 8 đến nay, mã đã tăng 16%.

Liên quan đến giao dịch cổ phiếu HSG, ông Đinh Viết Duy – thành viên HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cũng vừa bán thành công 24.500 cổ phiếu trong tổng số 37.212 cổ phiếu sở hữu, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ từ 0,006 % xuống 0,002%. Giao dịch được thực hiện từ ngày 4/8-30/8 bằng phương pháp khớp lệnh.

Chiều ngược lại, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua 1 triệu cổ phiếu HSG trong phiên giao dịch 31/8. Sau giao dịch, sở hữu của nhóm quỹ ngoại quỹ ngoại tại Hoa Sen tăng từ 9,93% (tương đương 61,21 triệu cổ phiếu) lên 10,1% (62,21 triệu cổ phiếu).

Từ giữa tháng 7 đến nay, Dragon Capital đã liên tục mua hàng triệu cổ phiếu HSG. Cụ thể, nhóm quỹ này đã mua ròng tổng cộng gần 20 triệu cổ phiếu trong vòng một tháng rưỡi, sở hữu theo đó tăng từ 6,86% lên 10,1% ở hiện tại.

Diễn biến cổ phiếu HSG.

Diễn biến cổ phiếu HSG.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép cập nhật hồi cuối tháng 8 vừa qua, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nhu cầu thép trong nước sẽ tiếp tục chậm lại trong nửa cuối năm do hoạt động xây dựng và công nghiệp yếu.

Nhu cầu thép ở nước ngoài vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát, chính sách kinh tế vĩ mô và sự can thiệp thương mại. Tuy nhiên với kỳ vọng thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi vào cuối quý 4/2023, nhu cầu thép xây dựng có thể bùng nổ vào năm 2024.

Là nhà sản xuất và bán lẻ tôn mạ hàng đầu, VDSC cho rằng HSG chịu tác động lớn nhất từ sự suy giảm nhu cầu trong nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ tôn mạ trong nước của HSG giảm 21%, cùng với đó sản lượng tiệu thụ nội địa toàn ngành cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Chuỗi giá trị dài hơn có thể là nguyên nhân một phần khiến giá của HSG thay đổi chậm hơn, do đó làm giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ khác, đặc biệt là những lúc thị trường biến động.

Trong 9 tháng đầu niên độ tài chính 2022-2023, HSG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận kém khả quan, với biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng lần lượt tăng 8,3% và giảm 1,8% so với cùng kỳ niên độ trước. Riêng quý 3, công ty ghi nhận biên lợi nhuận suy giảm do chi phí bán hàng duy trì ở mức cao (chi phí bán hàng/doanh thu xấp xỉ 8%, cao hơn các doanh nghiệp trong ngành do phải duy trì hệ thống Hoasen Home).

Hiện lợi nhuận tích lũy của HSG trong kỳ tài chính 2022-2023 đang âm, khiến cổ phiếu vẫn nằm trong diện không được giao dịch ký quỹ.

Điểm sáng là công ty chủ động giảm số ngày tồn kho để tránh biến động giá nguyên vật liệu. Việc giảm tỷ lệ nợ vay cũng giúp công ty đưa chi phí tài chính về mức thấp trong giai đoạn 2021-2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp