Triển vọng ngành tôn mạ và tác động đến Hoa Sen, Thép Nam Kim

HSG NKG
11:15 - 20/08/2023
Thị trường Mỹ, Châu Âu chiếm 50% sản lượng xuất khẩu của HSG.
Thị trường Mỹ, Châu Âu chiếm 50% sản lượng xuất khẩu của HSG.
0:00 / 0:00
0:00
SSI dự báo lợi nhuận Hoa Sen và Thép Nam Kim sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024, tuy nhiên ở mức giá hiện tại P/E của hai cổ phiếu đều đã ở mức khá cao.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành tôn mạ mới đây, Chứng khoán SSI cho biết, trong nửa đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ của ngành tôn mạ giảm đáng kể (-16% so với cùng kỳ năm ngoái), xuống mức 2,02 triệu tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu giảm 18% và nhu cầu trong nước giảm 14%.

Tổng sản lượng tiêu thụ của tôn mạ trong quý 2/2023 giảm 4,6% so với cùng kỳ, đạt 1,1 triệu tấn; trong đó sản lượng xuất khẩu và sản lượng nội địa lần lượt giảm 3,2% và 6,6%. Tuy nhiên, so với quý trước, tổng sản lượng phục hồi 16,6% nhờ sản lượng xuất khẩu tăng đáng kể (39,6%), trong khi nhu cầu trong nước vẫn yếu với mức giảm 5% so với quý trước.

Sự cải thiện trong hoạt động xuất khẩu chủ yếu là do chênh lệch ngày càng lớn giữa giá thép tại các thị trường phát triển (như thị trường Mỹ và Châu Âu) so với giá trung bình tại châu Á.

Hàng tồn kho giảm giúp giảm gánh nặng đòn bẩy

Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) và Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận sản lượng phục hồi so với quý trước cùng với xu hướng toàn ngành, mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép của HSG đạt 361.000 tấn, tăng 22,7% so với quý trước nhưng vẫn giảm 13,3% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ thép của NKG đạt 236.000 tấn, tăng 21% so với quý trước nhưng giảm 9,5% so với cùng kỳ. Công suất hoạt động của HSG và NKG lần lượt là 60% và 80%.

Lợi nhuận ròng của HSG và NKG lần lượt đạt 14 tỷ đồng và 125 tỷ đồng, tiếp tục ghi nhận mức giảm đáng kể so với cùng kỳ là giảm 95% đối với HSG và giảm 38% đối với NKG; do sản lượng tiêu thụ giảm và giá bán trung bình của cả hai công ty đều giảm hơn 15% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, so với quý trước lại có sự khác biệt. Trong khi lợi nhuận của HSG giảm 95% so với mức nền tương đối cao là 251 tỷ đồng trong quý trước (nhờ có khoản hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho 466 tỷ đồng) thì lợi nhuận của NKG dương trở lại, phục hồi sau khoản lỗ 49 tỷ đồng trong quý 1/2023. Điều này có thể do công suất hoạt động của NKG đạt 80%, cao hơn so với mức 60% của HSG như đã đề cập ở trên, và có sự khác biệt về trích lập hàng tồn kho của 2 công ty.

Lượng hàng tồn kho của cả HSG và NKG liên tục giảm về mức lần lượt 6.460 tỷ đồng (giảm 11% so với quý trước và giảm 49% so với cùng kỳ) và 5.390 tỷ đồng (giảm 19% so với quý trước và giảm 37% so với cùng kỳ); tương đương với ngày tồn kho lần lượt là 76 ngày đối với HSG và 98 ngày đối với NKG, so với mức 108 ngày và 124 ngày vào cuối tháng 6/2022. Nhờ đó, HSG và NKG giảm mức nợ ròng xuống 3.630 tỷ đồng và 3.040 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6/2023, lần lượt giảm 50% và 15% so với cùng kỳ.

Hoa Sen sẽ chuyển từ lỗ sang lãi trong niên độ tiếp theo?

Theo SSI, HSG và NKG đã nhận được đơn đặt hàng trước từ 1-2 tháng. Trong thời gian tới, HSG sẽ nỗ lực đẩy sản lượng tiêu thụ lên 130-140 nghìn tấn/tháng so với mức trung bình 120 nghìn tấn trong quý gần đây. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân trong quý 3/2023 có thể thấp hơn so với quý trước do giá HRC ở hầu hết các thị trường đã điều chỉnh khoảng 20% kể từ mức đỉnh vào tháng 3.

SSI lưu ý, mặc dù giá bình quân của Trung Quốc và Việt Nam gần đây phục hồi khoảng 4% trong những tuần gần đây nhưng giá HRC ở Mỹ và Châu Âu liên tục giảm. Khoảng cách giữa giá HRC tại Mỹ/Châu Âu và tại Việt Nam theo USD đang thu hẹp khoảng từ 350-700 USD/tấn vào cuối tháng 4 xuống còn 140-340 USD/tấn như hiện tại, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận kênh xuất khẩu trong thời gian tới. Thị trường Mỹ, Châu Âu lần lượt chiếm khoảng 50% và 60% sản lượng xuất khẩu của HSG và NKG.

Với HSG, do lợi nhuận quý 3/2023 (niên độ tài chính của HSG bắt đầu từ tháng 10 năm trước và kết thúc vào tháng 9 năm sau) thấp hơn kỳ vọng, SSI điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận trong năm 2023 xuống mức lỗ 75 tỷ, phần lớn là do khoản lỗ 680 tỷ trong quý đầu tiên của niên độ tài chính.

Năm 2024, SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HSG có thể phục hồi 14% đạt 1,54 triệu tấn; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,1% trong năm 2023 lên mức bình thường là 11,8% nhờ công suất hoạt động tốt hơn và giá đầu vào giảm. Theo đó, công ty sẽ đạt được khoảng 558 tỷ đồng lợi nhuận trong năm tài chính tiếp theo.

Với Thép Nam Kim, SSI giữ nguyên ước tính lợi nhuận năm 2023 là 195 tỷ đồng. Trong năm 2024, sản lượng tiêu thụ của công ty có thể tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 928 nghìn tấn; biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 7,1% lên 7,5% nhờ chi phí đầu vào giảm nhẹ. Theo đó, lợi nhuận ròng năm 2024 dự kiến tăng 32% so với 2023, đạt 257 tỷ đồng.

Ở mức giá hiện tại, HSG đang giao dịch ở mức P/E, P/B và EV/EBITDA dự phóng 2024 lần lượt là 23,6x, 1,2x và 7,6x, trong khi NKG giao dịch ở mức P/E, P/B và EV/EBITDA dự phóng 2024 lần lượt là 20,4x, 0,9x và 8,1x. Vì vậy, SSI khuyến nghị trung lập đối với cả 2 cổ phiếu.

Tin liên quan

Đọc tiếp