Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam chính thức hòa lưới điện quốc gia

Điện rác HÀ NỘI
15:03 - 25/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 25/7, nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chính thức hòa lưới điện quốc gia, vận hành giai đoạn 1 sau nhiều lần lỡ hẹn.

CTCP Môi trường năng lượng Thiên Ý (Công ty Thiên Ý), đại diện chủ đầu tư Nhà máy Điện rác Sóc Sơn cho biết, lúc 8h5 sáng 25/7, nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn đã hòa lưới điện quốc gia, sau nhiều những lần lỗi hẹn vì các lý do khách quan và chủ quan.

Dự kiến khoảng 20 MW điện sinh ra từ quá trình đốt rác sẽ phục vụ hoạt động của nhà máy và khoảng 50 MW sẽ hoà vào điện lưới quốc gia. Việc vận hành nhà máy chia làm 3 giai đoạn với tổng số 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện.

Giai đoạn 1 có 1 lò đốt và 1 tổ máy vận hành, công suất xử lý đốt rác 800 tấn/ngày-đêm. Giai đoạn 2 có thêm 2 lò đốt và giai đoạn 3 thêm 2 lò đốt nữa sẽ vận hành trong năm 2022. Sau khi vận hành cả 3 giai đoạn, nhà máy xử lý đốt rác 4.000 tấn/ngày-đêm, tương đương khoảng 80% lượng rác phát sinh được phân luồng, vận chuyển về xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn từ 12 quận và 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh).

Trước đó, từ ngày 6/5/2022, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã vận hành thử nghiệm giai đoạn 1. Trong thời gian vận hành thử nghiệm, nhà máy xử lý đốt rác với công suất khoảng 210 tấn/ngày-đêm. Sau khi chính thức hòa lưới điện quốc gia, nhà máy sẽ thực hiện đốt đủ tải công suất giai đoạn 1 là 800 tấn rác/ngày-đêm. Thời gian vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 6/11.

Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn do Tập đoàn Thiên Ý làm chủ đầu tư, nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn. Đây là nhà máy Điện rác lớn nhất Việt Nam và là nhà máy điện rác lớn thứ hai thế giới, sau công trình tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Dự án này được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác châu Âu, công suất đốt 4.000 tấn rác mỗi ngày, thu được 75 MW điện mỗi giờ.

Nguồn nguyên liệu rác sẽ được lấy trực tiếp từ rác thải sinh hoạt không phân loại của 9 quận nội thành và 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn).

Cuối năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đến thăm công trường và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết, hoàn thành dự án vào tháng 8/2020, vận hành vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 đã khiến dự án nhiều lần hoãn tiến độ.

Tin liên quan

Đọc tiếp