Nhân viên ngân hàng phải ghi âm trao đổi để ngăn 'ép' mua bảo hiểm

BẢO HIỂM QUỐC HỘI
11:44 - 18/03/2024
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.
0:00 / 0:00
0:00
Yêu cầu nhân viên ngân hàng ghi âm đầy đủ khi tư vấn là một trong những giải pháp để cơ quan quản lý giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, đảm bảo không có tình trạng doanh nghiệp, người dân bị ép mua bảo hiểm khi đi vay tiền.

Chất vấn Bộ trưởng Tài chính sáng 18/3, một số đại biểu nêu vấn đề bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho biết, thời gian qua, việc bán các sản phẩm bảo hiểm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm. Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về vấn đề này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng thông tin về kết quả xử lý sai phạm và giải pháp trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang), kết quả thanh tra đợt 1 với bốn doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng của Bộ Tài chính công bố tháng 7/2023 cho thấy, tổng số doanh thu bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại tính đến 31/12/2021 khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có công ty có đến 70% khách hàng mua bảo hiểm hủy sau đợt đóng phí lần đầu (thường nộp phí lần đầu là một hoặc hai năm).

"Tức là đa số khách hàng ngay khi ký hợp đồng đã xác định huỷ ngang, chấp nhận bỏ phần phí đã đóng. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá và xử lý như thế nào với trách nhiệm của các tổ chức liên quan qua kết quả thanh tra? Có hay không dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả thiệt hại lớn cho số đông khách hàng đã hủy ngang hợp đồng?," đại biểu chất vấn.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu các biện pháp để đảm bảo trong tương lai các doanh nghiệp bảo hiểm không có những sai phạm tương tự, nhất là trong bối cảnh hành vi "cấm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức" đã được bổ sung trong Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà chất vấn trực tuyến.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà chất vấn trực tuyến.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam có 19 công ty bảo hiểm. Trong đó chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước, còn lại là 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài. Tuy nhiên việc hoạt động vẫn chủ yếu do đại lý và nhân viên ở trong nước thực hiện.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai liên kết giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm có sự lệch lạc; thiếu thanh tra, kiểm tra và định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính đã xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra để đảm bảo hoạt động này công bằng, minh bạch, đúng quy định.

Trong 2023, Bộ Tài chính đã thanh tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu qua kênh ngân hàng và cho thấy doanh thu rất lớn, chiếm tới hơn 96% tổng doanh thu. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ đã lưu hành 5 kết luận đối với 5 công ty bảo hiểm và sắp tới sẽ ban hành các kết luận còn lại. Năm 2024, Bộ sẽ tiếp tục thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm. Đối với hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng thì Bộ cần sự phối hợp với cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước.

Liên quan đến tình trạng người dân, doanh nghiệp bị "ép" mua bảo hiểm khi đi vay tiền, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng trước đây có tình trạng nhân viên ngân hàng tư vấn cho người dân vay tiền lại hướng dẫn mua bảo hiểm. Thực tế, lợi ích mà ngân hàng hay nhân viên ngân hàng được hưởng qua bán bảo hiểm rất lớn. "Doanh nghiệp khi vay được tiền thì tiến hành hủy ngang bảo hiểm và không đóng tiếp cho các năm sau, họ chấp nhận mất một khoản ban đầu coi như chi phí vay," ông Phớc nêu thực trạng.

Từ thực trạng đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra, xử lý, kịp thời ngăn chặn. Một trong các giải pháp là yêu cầu nhân viên ngân hàng khi tư vấn phải ghi âm đầy đủ quá trình để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Tin liên quan

Đọc tiếp